EnglishVietnamese
Trang chủ / Hội đồng khoa học / Các yêu cầu, quy định thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện năm 2024

Các yêu cầu, quy định thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện năm 2024

SLRI – Để đảm bảo tính thống nhất khi viết đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện, Viện nghiên cứu pháp luật phía Nam (SLRI) để đưa ra những điểm quy định chung nhất cho các nhà khoa học, cán bộ, nhân viên tham khảo khi viết đề tài khoa học pháp lý như sau:

A. YÊU CẦU CHUNG

Đề tài khoa học pháp lý phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, sạch sẽ, mạch lạc, đảm bảo tính chính xác, thuật ngữ trong Đề tài phải được dùng chính xác và thống nhất.

Nội dung chính của Đề cương dày từ 16-36 trang trên khổ giấy A4 (210 x 297mm, in một mặt) không kể mục lục, danh mục, tài liệu tham khảo và phụ lục. Nội dung phải bám sát mục tiêu và tên đề tài, không trình bày những nội dung không liên quan đến đề tài và mục tiêu đề tài.

B. YÊU CẦU VỀ HÌNH THỨC

  1. BỐ CỤC CHUNG

Một bản đề cương hoàn chỉnh có đầy đủ các nội dung và được trình bày theo trình tự sau:

STT

Nội dung Số trang

Ghi chú

1. Trang Bìa đề tài Theo bố cục Trang bìa tại Phụ lục 2b.
2. Trang Lời cam đoan Tác giả phải cam đoan số liệu nghiên cứu trong đề tài là của riêng mình, trung thực, chính xác.
3. Ký hiệu viết tắt (nếu có)
4. Mục lục (nội dung) Ghi rõ tên chương, tên mục và tiểu mục của chương có trong đề tài. Các tên này phải đúng như vốn có trong đề tài.
5. Danh mục các biểu, bảng Ghi theo tuần tự, theo chương.
6. Danh mục hình vẽ, biểu đồ, sơ đồ Ghi theo tuần tự, theo chương.
7. Phần Đặt vấn đề 1-2 trang Bao gồm mục tiêu nghiên cứu.
8. Chương 1. Tổng quan tài liệu 5-15 trang
9. Chương 2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu 5-10 trang
10. Chương 3. Dự kiến kết quả nghiên cứu 2-4 trang Xây dựng các Bảng trống số liệu.
11. Chương 4. Dự kiến bàn luận 1-2 trang Liệt kê những tiểu mục, đề mục sẽ bàn luận và cần bám sát các mục tiêu
12. Khả năng ứng dụng + Kế hoạch ứng dụng của đề tài 1-2 trang
13. Kế hoạch thực hiện đề tài 1 trang
14. Tài liệu tham khảo
15. Phụ lục nghiên cứu:

– Bộ công cụ thu thập số liệu

– Các Phụ lục khác (nếu có)

2. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

2.1. Cách trình bày và đánh số thự tự chương, mục và tiểu mục: Chỉ sử dụng hệ thống số Arập, đánh theo luỹ tiến (không dùng số La Mã, không dùng ký tự A,B,C…).

2.2. Bảng biểu: đánh số thứ tự theo chương (thí dụ Bảng 1.1, bảng 1.2… nghĩa là bảng số 1 và 2 của chương 1), tên bảng để trên bảng, còn tên ảnh và hình, biểu đồ, đồ thị để dưới ảnh, hình, biểu đồ hay đồ thị tương ứng. Bảng biểu, đồ thị, ảnh được đánh số thứ tự riêng theo từng loại. Các số liệu trong bảng phải có đơn vị đo, các trục của biểu đồ và đồ thị cũng phải có tên và thang đo. Các ảnh phải ghi rõ xuất xứ.

2.3. Khổ giấy:

Thống nhất dùng giấy trắng khổ A4 (210 x 297 mm) .

2.4. Đặt lề: Để cân đối, đẹp khi đóng xong đề tài nên đặt lề như sau:

Lề trên, dưới: 3 cm.

Lề trái: 3,5 cm; lề phải: 2cm.

2.5. Chữ viết và đặt lề trang in: đề tài được in vi tính trên một mặt của tờ giấy. Sử dụng chữ Times New Roman cỡ 13 hoặc 14 của hệ soạn thảo WINWORD. Mỗi trang 26 – 28 dòng, trong vi tính đặt dãn dòng 1,5 LINE là vừa. Các bảng biểu trình bày theo chiều ngang khổ giấy thì đầu bảng là lề trái của trang.

2.6. Cách viết tên chương, mục, tiểu mục: Tên chương, mục và tiểu mục cần được viết thống nhất cho mỗi loại về kiểu chữ, khổ chữ và độ đậm nhạt… Sự thống nhất này được thực hiện trong suốt đề tài. Tên chương được viết trên đầu trang mới, dưới tên chương nên để trống 2 dòng. Không để tên mục, tiểu mục ở cuối chân trang.

2.7. Trình bày ký hiệu viết tắt: Nếu đề tài có sử dụng chữ viết tắt thì mới có trang này. Chữ cần viết tắt khi xuất hiện lần đầu trong đề tài được viết đầy đủ và liền đó đặt ký hiệu viết tắt của chữ đó trong ngoặc đơn. Ký hiệu viết tắt phải được dùng thống nhất trong toàn đề tài. Không viết tắt trong phần mục lục, đặt vấn đề và kết luận.

Các ký hiệu viết tắt được viết ở phía trái, các chữ đầy đủ tương ứng viết ngang hàng phía phải của trang giấy.

Trình bày xong ký hiệu này mới chuyển sang ký hiệu khác, trên những dòng tách biệt. Thứ tự trình bày ký hiệu viết tắt được tuân theo thứ tự bảng chữ cái.

2.8. Đánh số trang: Số thứ tự của trang được ghi ở chính giữa lề trên. Số trang bắt đầu được đánh từ phần Đặt vấn đề.

2.9. Trình bày danh mục tài liệu tham khảo:

Có hai phương pháp tham chiếu chính tới tài liệu tham khảo là hệ thống Harvard và hệ thống Vancouver. Tuy nhiên để thống nhất theo cách sắp xếp tài liệu tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, tác giả nên sắp xếp tài liệu tham khảo theo hệ thống Harvard với cách trình bày theo thông thường như sau:

Các tài liệu tham khảo phải được xếp riêng theo từng khối tiếng (Việt, Anh, Pháp, Đức, Nga,…). Trình tự sắp xếp danh mục tài liệu tham khảo trong từng khối tiếng theo nguyên tắc thứ tự bảng chữ cái.

Tên tác giả trong nước thì thứ tự bảng chữ cái được lấy theo TÊN chứ không phải theo HỌ, nhưng vẫn viết họ và tên đệm trước.

Tên tác giả nước ngoài được xếp theo HỌ (kể cả các tài liệu đã dịch ra tiếng Việt và xếp ở khối tiếng Việt).

Các tài liệu không có tác giả thì xếp theo tên từ đầu của tên tài liệu.

Các tài liệu tham khảo khi liệt kê vào danh mục phải đầy đủ các thông tin cần thiết và theo trình tự sau:

– Số thứ tự. Họ tên tác giả, tên tài liệu (in nghiêng), nguồn (tên tạp chí, tập, số, năm, hoặc tên nhà xuất bản, nơi xuất bản), trang (hoặc số trang đối với sách).

– Số thứ tự được đánh liên tục từ 1 đến hết qua tất cả các khối tiếng.

Cách ghi trích dẫn: con số thứ tự của tài liệu tham khảo là ký hiệu thay cho địa chỉ chi tiết của sách, bài báo đó và được chỉ ra khi được trích dẫn ở phần nội dung chính của đề tài.

– Tài liệu tham khảo chỉ có giá trị khi được trích dẫn trong đề tài, các tài liệu không có trích dẫn lần nào trong đề tài là không hợp lệ.

Đối với tài liệu khi trích dẫn chỉ cần đặt số thứ tự của bài đó trong ngoặc vuông [ ], ví dụ [19]. Đối với phần được trích dẫn từ nhiều tài liệu khác nhau, số thứ tự của các tài liệu được đặt độc lập trong từng ngoặc vuông, sắp xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, ví dụ [6], [12], [27].

C. YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG CỦA TỪNG PHẦN

1. Đặt vấn đề: Có 2 ý chính:

  • Lý do chọn đề tài: Trình bày tóm tắt đề tài này xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn nào;  nêu được tính mới, tính cấp thiết của đề tài, là những lý do chính để dẫn dắt tác giả chọn đề tài.
  • Mục tiêu của đề tài: Thường từ 2 đến 3 mục tiêu; mục tiêu rõ ràng, đo lường, đánh giá được; các mục tiêu này phải có liên quan chặt chẽ với nhau.

2. Chương Tổng quan tài liệu: Những điều cần trình bày là:

  • Các cơ sở lý luận và thực tiễn, các mốc lịch sử liên quan đến chủ đề nghiên cứu của đề tài, trình bày thứ tự theo mốc thời gian.
  • Những nghiên cứu của những tác giả trong nước và trên thế giới về từng nội dung của đề tài. Cần nêu những kiến thức mới về nội dung, phần này tạo nên kết quả thu thập thông tin theo kiểu quy nạp: Theo trường phái, theo địa phương, hoặc theo các nguyên tắc kỹ thuật khác nhau. Thông qua từng mục trong phần tổng quan, tác giả nêu bật những điều còn khuyết hỗng hoặc những điều mâu thuẩn chưa được giải quyết triệt để trong lý thuyết hay thực hành, đó chính là nguyên nhân dẫn dắt tác giả đến việc thực hiện nội dung của đề tài.

3. Chương Đối tượng và Phương pháp nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

  • Tiêu chuẩn chọn.
  • Tiêu chuẩn loại trừ.

3.2. Thiết kế nghiên cứu

3.3. Thời gian và địa điểm nghiên cứu

3.4. Cỡ mẫu và cách chọn mẫu: Cần mô tả chi tiết về cỡ mẫu và cách chọn mẫu.

3.5. Nội dung và các biến số nghiên cứu (tiêu chuẩn bắt buộc phải có): Nêu rõ các quy ước, lượng hóa, định nghĩa và kỹ thuật thu thập số liệu đối với từng biến/nhóm biến số.

3.6. Giới thiệu về Bộ công cụ thu thập số liệu (tiêu chuẩn bắt buộc phải có): Cho biết độ tin cậy của Bộ công cụ thu thập số liệu: Sử dụng Bộ công cụ sẵn có từ nguồn nào hay tự xây dựng/cơ sở tự xây dựng. Cách đánh giá cụ thể của Bộ công cụ. Đính kèm Bộ công cụ ở Phụ lục nghiên cứu.

3.7. Phương pháp thu thập số liệu: Nêu rõ cách thức tổ chức thu thập số liệu.

3.8. Phương pháp phân tích số liệu: Trong đó nêu rõ phương pháp xử lý số liệu như thế nào; sử dụng các phần mềm thống kê gì; dùng test thống kê gì để xử lý các biến số.

3.9. Đạo đức nghiên cứu

4. Dự kiến kết quả: Theo mục tiêu đề tài đề ra. Thể hiện rõ các bảng biểu (bảng trống) dự kiến sẽ có (không ghi kết quả dự kiến một cách chung chung).

­­­­5. Dự kiến bàn luận: Liệt kê được những tiểu mục, đề mục sẽ bàn luận và cần bám sát các mục tiêu.

6. Khả năng áp dụng của đề tài: Nêu rõ khả năng áp dụng của đề tài; kế hoạch ứng dụng kết quả đề tài vào thực tiễn.

7. Kế hoạch thực hiện: Nêu rõ mốc thời gian thực hiện các hoạt động: thu thập tài liệu, viết đề cương, thông qua đề cương, thu thập số liệu, xử lý số liệu, viết đề tài (không ghi tên người thực hiện trong nội dung này).

8. Tài liệu tham khảo: Tối thiểu có 08 tài liệu tham khảo có liên quan đến đề tài và mục tiêu nghiên cứu. Phải có ít nhất 30% tài liệu trong 5 năm gần nhất.