EnglishVietnamese
Trang chủ / Hỗ trợ pháp Lý cho Doanh Nghiệp / Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp từ chính sách đến thực tiễn

Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp từ chính sách đến thực tiễn

(SLRI ) – Hiện nay, nhu cầu về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng cao, đây được xác định là một hành trình hỗ trợ dài hạn, đồng hành trong suốt quá trình tồn tại của doanh nghiệp. Ngày 22/6/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành kèm theo Quyết định số 752/QĐ-UBND Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 nhằm triền khai đồng bộ, công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành của Trung ương trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật…

Về hình thức thực hiện hỗ trợ pháp lý, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đã ghi nhận và cụ thể hóa 2 hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đó là: (i) xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật; và (ii) xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý. Các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm:

(i) Hoạt động cung cấp thông tin, bao gồm thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu có);

(ii) Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bao gồm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật;

(iii) Hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực của các cơ quan, tổ chức tiến hành hỗ trợ pháp lý.

Nội dung hỗ trợ pháp lý tập trung vào lĩnh vực pháp luật có liên quan trực tiếp đến những vướng mắc pháp luật của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, quá trình điều hành quản lý của doanh nghiệp, từ đó có sức lan tỏa tới những người quản lý, chủ sở hữu, cán bộ pháp chế trong doanh nghiệp, hình thành thói quen tuân thủ pháp luật, ý thức pháp luật trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Hàng năm, UBND tỉnh Bắc Ninh đều ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Các Sở, ngành, UBND cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến trong hành động nhằm hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp như tăng cường hoàn thiện các trang thông tin điện tử cũng như các tài liệu để phổ biến pháp luật. Theo kết quả khảo sát DCI Bắc Ninh, doanh nghiệp đánh giá chung công tác tuyên truyển, phổ biến pháp luật của các Sở, ngành là khá tốt; trên 60% doanh nghiệp cho rằng các đơn vị có thực hiện công tác tuyên truyển, phổ biến pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát PCI trong 2 năm gần đây cho thấy: mặc dù biên độ khoảng cách nhỏ nhưng khả năng tiếp cận tài liệu pháp lý của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn ở mức thấp hơn cả mức trung vị của cả nước, chứng tỏ sự hạn chế về cơ hội và khả năng đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Hình 1: Đánh giá của doanh nghiệp về tiếp cận tài liệu pháp lý

(1= Không thể; 5= Rất dễ)

Nguồn: Tổng hợp dữ liệu từ Báo cáo PCI 2019, 2020

Bên cạnh đó: việc xây dựng, tổng hợp và tuyên truyền thông tin cảnh báo về rủi ro pháp lý trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước chưa được chú trọng; nhiều chương trình được thực hiện chưa sát với đòi hỏi của thực tiễn và những điều doanh nghiệp quan tâm. Điều cần nhất trong bối cảnh hiện nay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không chỉ là được tuyên truyền, đào tạo, phổ biến pháp luật mà tư vấn để giải đáp pháp luật, giải quyết những vướng mắc trong các vụ việc cụ thể. Từ thực tiễn hoạt động của Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho thấy, các doanh nghiệp FDI luôn có sự chủ động hơn các doanh nghiệp dân doanh trong việc tìm hiểu pháp luật, họ có chính kiến, quan điểm rõ ràng khi gặp vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật.

Khảo sát PCI cho thấy mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được hỏi cho biết đã từng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật năm 2019 (66%) tăng so với năm 2018 (53%) nhưng đến năm 2020 lại có xu hướng giảm (53%); đáng lưu ý tỷ lệ doanh nghiệp có ý định sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật đều có xu hướng giảm.

Hình 2: Đánh giá của doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật

Nguồn: Tổng hợp dữ liệu từ Báo cáo PCI 2018, 2019, 2020

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định là một hành trình hỗ trợ dài hạn, đồng hành trong suốt quá trình tồn tại của doanh nghiệp. Để đảm bảo tính hiệu quả của chương trình hỗ trợ pháp lý: Trước hết, tăng cường khả năng tiếp cận tài liệu pháp lý cho doanh nghiệp và hoàn thiện dữ liệu về các vụ việc và vướng mắc pháp lý, bởi đây là nguồn dữ liệu rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn không chỉ với hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, mà còn là với hoạt động của nghề luật sư, hoạt động trợ giúp pháp lý, hoạt động xét xử, giảng dạy và nghiên cứu khoa học pháp lý. Riêng đối với công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, cần tóm tắt và giải thích các vụ việc, vướng mắc pháp lý theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp cận với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả của chương trình hỗ trợ (Ví dụ đối với việc giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp, cần lấy tiêu chí kịp thời, trả lời cụ thể, rõ ràng để đánh giá).

Thực tiễn cho thấy đội ngũ luật sư địa phương còn yếu và mỏng, rất cần được bồi dưỡng để tăng cường kiến thức, kỹ năng, từ đó hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp, như vậy mục đích của chương trình cũng thông qua đó mà đạt được. Do đó cần tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Điều này mang đến nhiều lợi ích, vừa tiết kiệm chi phí cho Chương trình, vừa nâng cao hiệu quả hỗ trợ vì đây là đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, có chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm. Trước mắt, để huy động được đội ngũ này tham gia Chương trình, Ban chỉ đạo Chương trình cần tiến hành việc gửi phiếu thăm dò ý kiến về các đoàn luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn để đánh giá về khả năng, điều kiện tham gia; sau đó sàng lọc và gửi phiếu đăng ký cho các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có chuyên môn phù hợp và có nguyện vọng tham gia Chương trình. Việc tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư tham gia Chương trình còn mang lại lợi ích về lâu dài: tạo thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp; đội ngũ luật sư có điều kiện để nâng cao nghiệp vụ và hoạt động chuyên sâu; những điều này là tiền đề quan trọng cho sự phát triển thị trường dịch vụ pháp lý và từng bước nâng cao ý thức pháp luật của doanh nghiệp, đây mới là mục tiêu cơ bản, quan trọng nhất cần hướng tới.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tư pháp, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, Hội nghị đối thoại: Xây dựng và thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, 2020.

2. Nguyễn Ngọc Khánh, Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam- Thực trạng và giải pháp, 2019.

3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo cáo PCI 2018, 2019, 2020.

Ths. Nguyễn Thị Thúy Yên
Viện Nghiên cứu Phát triển KTXH tỉnh Bắc Ninh