EnglishVietnamese
Trang chủ / Hỗ trợ pháp Lý cho Doanh Nghiệp / Những hành vi dễ khiến vướng lao lý khi đi đòi nợ

Những hành vi dễ khiến vướng lao lý khi đi đòi nợ

logo.org Tôi có sai không khi đến nhà người quỵt nợ lấy đi một số tài sản nhằm bù đắp số tiền đã cho vay?

Tôi cho bạn vay một tỷ đồng, có giấy biên nhận. Đến hạn, người này lẩn tránh khiến tôi phải đến nhà đòi nợ.

Trước khi đi, tôi có trình báo với công an địa phương về việc này. Lúc cãi vã tại nhà của con nợ và tôi lấy đi một số đồ thì bị công an tạm giữ với cáo buộc cướp tài sản? Tôi xin hỏi trong trường hợp này ai đúng ai sai?

Đỗ Văn Bình

TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ TẠI BÌNH DƯƠNG:

Do bạn không nói rõ các hành vi cụ thể xảy ra giữa bên vay và bên cho vay khi bạn đến đòi nợ nên chúng tôi không thể khẳng định hành vi của bạn có vi phạm pháp luật hình sự hay không. Tuy nhiên, chúng tôi có thể phân tích một số tình huống thường gặp giữa bên vay và bên cho vay để bạn tham khảo.

Trường hợp thứ nhất, bên cho vay dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người vay lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này có dấu hiệu của tội cướp tài sản được quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự. Điều luật không đòi hỏi giá trị của tài sản chiếm đoạt phải từ bao nhiêu tiền trở lên mà chỉ đòi hỏi người phạm tội có một trong các hành vi được mô tả trong điều luật nhằm chiếm đoạt tài sản là đã thỏa mãn tội này.

Trường hợp thứ hai, bên cho vay đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người vay nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135. Nếu như tội cướp tài sản đòi hỏi người phạm tội phải có hành vi dùng vũ lực tấn công hoặc đe dọa tấn công ngay tức khắc làm người bị tấn công/bị đe dọa tê liệt hoàn toàn ý chí nhằm chiếm đoạt tài sản thì tội cưỡng đoạt chỉ đòi hỏi người phạm tội có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực (thực tế chưa dùng vũ lực) hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần (như sẽ làm lộ bí mật đời tư) và người bị đe dọa không bị tê liệt hoàn toàn ý chí, vẫn còn có thể lựa chọn cách xử sự khác nhưng vẫn miễn cưỡng giao tài sản cho người phạm tội.

Ở cả hai tội trên, pháp luật không đòi hỏi phải chiếm đoạt được tài sản thì mới phạm tội mà pháp luật chỉ đòi hỏi có một trong các hành vi nêu trên là tội phạm đã hoàn thành.

Trường hợp thứ ba, người cho vay có một trong các hành vi bắt, giữ hoặc giam nhốt người vay thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Bắt, giữ hoặc giam  người trái pháp luật quy định tại Điều 123.

Đối với việc trình báo công an trước khi đến đòi tiền: Việc làm này có thể nhằm thể hiện ý thức của bên cho vay là rất tôn trọng pháp luật, muốn được công khai việc đòi nợ trước cơ quan pháp luật. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người cho vay đã trình báo với công an trước khi đi đòi nợ thì họ sẽ không phạm tội liên quan đến chiếm đoạt tài sản.

Do vậy, trường hợp đã trình báo trước đó nhưng nếu bên cho vay có một trong các hành vi quy định tại các điều nói trên thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Đỗ Trọng Linh