EnglishVietnamese
Trang chủ / Nghiên cứu - Xây dựng pháp luật / Cung Cấp Thông Tin / Phương pháp nghiên cứu khoa học pháp lý – Những vấn đề cơ bản

Phương pháp nghiên cứu khoa học pháp lý – Những vấn đề cơ bản

Khoa học pháp lý là một lĩnh vực khoa học xã hội lấy nhà nước và pháp luật là đối tượng nghiên cứu của mình. Khoa học pháp lý nhìn nhận nhà nước và pháp luật ở nhiều góc độ khác nhau và ở nhiều trạng thái khác nhau. Nhìn chung, có 3 xu hướng nghiên cứu về nhà nước và pháp luật: xu hướng triết học, xu hướng thực chứng và xu thế nghiên cứu so sánh.

I. TỔNG QUAN VỀ KHOA HỌC VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

1. Khoa học là gì?

Khoa học (science) được định nghĩa bởi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 là “hệ thống tri thức về bản chấtquy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy”.

Như vậy, có thể nói, khoa học là hệ thống tri thức (hiểu biết) của con người về hiện thực khách quan. Khoa học chính là sự phản ánh của con người về hiện thực khách quan. Hiện thực ấy có thể là các hiện tượng thuộc về tự nhiên (mưa, bão, sấm, chớp, lũ, lụt, nóng ấm toàn cầu, biến đổi khí hậu, lở đất, sóng thần v.v.) hoặc hiện tượng xã hội (tội phạmbạo lực gia đình, hoạt động kinh doanhtổ chức sự kiện, vui chơi, giải trí, bạo loạn, cách mạng v.v.) hoặc các hiện tượng gắn bởi bản thân mỗi con người.

Khi nói tới khoa học, rất cần phân biệt “tri thức khoa học” với “tri thức thông thường”. Tri thức khoa học không nhất thiết đồng nhất với tri thức thông thường (commonsense knowledge). Tri thức thông thường có khi “đúng”, có khi “sai”. Tuy nhiên, tri thức khoa học là tri thức được phát hiện thông qua một quy trình nghiên cứu, phát hiện, kiểm chứng theo những chuẩn mực nhất định. Quá trình ấy chính là hoạt động nghiên cứu khoa học. Bởi vậy, tri thức khoa học thường là sản phẩm chọn lọc công phu của các nhà khoa học.
Khi tìm hiểu về “khoa học”, thường người ta hay nhắc tới “công nghệ”. Công nghệ được Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 định nghĩa là “giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.” Thông thường, có thể hiểu rằng, công nghệ chính là sự ứng dụng của tri thức khoa học vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không có tri thức khoa học làm nền, hoạt động sáng tạo công nghệ sẽ rất khó được thực hiện. Ngày nay, khi nói tới công nghệ, người ta thường nói tới các phát minh, sáng chế. Đây là những giải pháp được áp dụng rộng rãi trong các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, được bảo hộ pháp lý bởi pháp luật về sở hữu trí tuệ. Ở Việt Nam, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các phát minh, sáng chế được thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

Có thể khẳng định rằng, ngày nay, một quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh phải là quốc gia mạnh về công nghệ. Nói cách khác, từng sản phẩm được sử dụng hàng ngày, đến quy trình sản xuất ra các loại sản phẩm, dịch vụ trong nền kinh tế đều là sự tích tụ hàm lượng trí tuệ rất cao. Chính vì thế, không phải không có lý khi cho rằng, trí tuệ hoặc trí thông minh, năng lực đổi mới, sáng tạo chính là yếu tố nền tảng quyết định sức cạnh tranh của nền kinh tế hiện nay trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Nhiều quốc gia bứt phá được khỏi bẫy thu nhập trung bình, vươn lên vào câu lạc bộ các quốc gia phát triển nhờ dám đặt cược sinh mệnh quốc gia, đặt cược sinh mệnh của nền kinh tế, sinh mệnh của nền quản trị quốc gia vào hệ thống đổi mới, sáng tạo, cũng là đặt cược vào tiềm năng, sức mạnh sáng tạo của con người, của người dân quốc gia ấy. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore có thể coi là những quốc gia như vậy.

2. Nghiên cứu khoa học là gì?

Vậy nghiên cứu khoa học là gì?

Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 định nghĩa “Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn”.

Người ta thường phân hoạt động nghiên cứu khoa học thành 2 loại là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Nghiên cứu cơ bản, theo Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 là “hoạt động nghiên cứu nhằm khám phá bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.” Nghiên cứu ứng dụng, theo Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 là “hoạt động nghiên cứu vận dụng kết quả nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra công nghệ mới, đổi mới công nghệ phục vụ lợi ích của con người và xã hội.”

Nghiên cứu khoa học đã từng được thực hiện hàng ngàn năm trước. Các nhà khoa học ở Athen đã từng phát hiện ra nhiều tri thức khoa học quan trọng, nhất là các tri thức về toán học, thiên văn học. Chẳng hạn, định luật Pytago, định luật acsimet v.v. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học gắn liền với sản xuất công nghiệp và được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sản xuất công nghiệp gắn liền với sự ra đời của nền kinh tế thị trường, gắn liền với sự ra đời của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (nền kinh tế thị trường dựa trên nền tảng sở hữu tư nhân).

Nhờ các hoạt động khoa học, nhiều phát minh, sáng chế quan trọng đã ra đời. Những sáng chế quan trọng có thể kể tới như:

– Phát minh ra động cơ đốt trong;
– Phát minh ra bóng điện;
– Phát minh ra máy điện thoại;
– Tìm ra quy luật về mối quan hệ giữa năng lượng và khối lượng của Einstein (E = MC2).

Có thể kể ra đây một số phát minh được xem là quan trọng hàng đầu nhờ hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng góp phần làm thay đổi thế giới:[1]

Phát minh 1 – Phát minh rabóng đèn điện (1879): Phát minh này ra đời trong một phòng thí nghiệm nhỏ của Thomas Edison nằm trên một con phố ở New Jersey – Mỹ vào năm 1879. Nhờ phát minh này, ngành công nghiệp điện và điện dân dụng của thế giới đã ra đời, giúp con người không còn sợ hãi trước bóng tối.Sau hơn một thế kỷ sử dụng đèn điện do Edison phát minh ra, vì lý do tiết kiệm năng lượng người ta mới dần chuyển sang dùng bóng đèn huỳnh quang. Song, không ai có thể phủ nhận: bóng đèn điện là một trong những phát minh tuyệt vời nhất trong lịch sử nhân loại.

Phát minh 2 – Các dây chuyền công nghiệp (1908): Tác giả của phát minh chính là Henry Ford – cha đẻ của hãng xe hơi hàng đầu của Hoa Kỳ. Bằng việc tổ chức công việc sản xuất, lắp ráp xe hơi theo dây chuyền, một số lượng sản phẩm xe hơi khổng lồ lại được sản xuất ra tại đây bởi hãng Ford.

Phát minh 3 – vệ tinh thông tin (1958): đây chính là một phần quan trọng trong hạ tầng thông tin toàn cầu. Vệ tinh thông tin đầu tiên được quân đội Hoa Kỳ phát triển và được đưa lên quỹ đạo trái đất vào năm 1958.

Phát minh 4 – Máy quét cộng hưởng từ (của Raymond Damadian – nhà khoa học Hoa Kỳ):Nhờ chiếc máy này mà nhiều bệnh nhân đã được chẩn đoán đúng bệnh, phát hiện sớm bệnh và được cứu sống.Ý tưởng cơ bản của chiếc máy này là: làm sao có được một công nghệ quét được hình ảnh bên trong cơ thể người để phát hiện bệnh mà không gây ra đau đớn hay ảnh hưởng gì cho người bệnh. Máy cộng hưởng từ được chính thức đưa vào sử dụng rộng rãi trên thế giới từ năm 1977.
Phát minh 5 – Internet (1960): Đây là phát minh do quân đội Hoa Kỳ nghĩ ra đầu tiên vào năm 1960. Ngày nay, chúng ta thật khó tưởng tượng cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu Internet.

Phát minh 6  Công nghệ laser (1960) do Viện nghiên cứu Hughes – California –Hoa Kỳ phát minh ra: Công nghệ này hiện được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự. Trong y học, laser được sử dụng để tiến hành các ca phẫu thuật phức tạp.

Phát minh 7 – Máy bay (1903): Vào ngày 17/12/1903, hai anh em nhà Wright sống tại Dayton, bang Ohio, Hoa Kỳ đã làm thay đổi lịch sử thế giới bằng sự phát minh ra chiếc máy bay đầu tiên.Cỗ máy do Wilbur và Orville Wright chế tạo đã thực hiện thành công chuyến bay kéo dài 12 giây của nó, và chứng minh cho cả nhân loại thấy rằng: một cỗ máy với trọng lượng nặng gấp nhiều lần so với không khí vẫn có thể bay được trong không khí.
….
Trong lịch sử khoa học, khoa học tự nhiên có bước phát triển mạnh và tiến trước khoa học xã hội. Tuy nhiên, tư duy khoa học được áp dụng không chỉ trong khoa học tự nhiên mà lan sang lĩnh vực tìm hiểu về xã hội. Ở một góc nhìn, đây được xem là sự “vận dụng” sáng tạo công nghệ/phương pháp nhận thức từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Ở góc nhìn khác, có thể xem đó là một sự “bá quyền” của phương pháp nghiên cứu khoa học tự nhiên sang lĩnh vực khoa học xã hội. Thực ra, trong lịch sử khoa học, kể cả lịch sử khoa học xã hội, không hiếm trường hợp phương pháp nghiên cứu chủ đạo hoặc tư tưởng chủ đạo của lĩnh vực khoa học này lại “xâm lấn” sang lĩnh vực khác. Chẳng hạn, sự “xâm lấn” của khoa học xã hội học sang lĩnh vực pháp luật sẽ cho ta bộ môn khoa học về “xã hội học pháp luật”. Sự “xâm lấn” của khoa văn hóa học sang lĩnh vực pháp luật sẽ cho ta bộ môn khoa học về “văn hóa học pháp luật”. Sự “xâm lấn” của khoa kinh tế học sang lĩnh vực pháp luật cho ta bộ môn khoa học “Kinh tế học pháp luật”.

Như vậy, có thể nói, kết quả đầu ra của hoạt động nghiên cứu khoa học chính là các phát minh, sáng chế, các phát hiện khoa học hoặc các ý tưởng khoa học.

Cũng cần lưu ý thực tế là, hoạt động nghiên cứu khoa học trước hết là hoạt động tư duy. Đành rằng, trong nghiên cứu khoa học, nhiều khi, các hoạt động lao động mang tính vật lý cũng được thực hiện, nhưng khía cạnh chủ đạo của nghiên cứu khoa học là hoạt động tư duy.

3. Phương pháp tiến hành hoạt động khoa học (scientific method)

Các nhà khoa học khi thực hiện lao động khoa học của mình thường tuân theo những yêu cầu, đòi hỏi, chuẩn mực nghiêm ngặt để bảo đảm tri thức do mình phát hiện ra, sản xuất ra là có độ tin cậy. Một trong những yêu cầu mà các nhà khoa học phải đáp ứng là khi tiến hành hoạt động nghiên cứu, nhà khoa học phải tuân theo phương pháp khoa học phù hợp.

Phương pháp khoa học (the scientific method) được hiểu là một chu trình lao động khoa học gồm nhiều bước, nhiều công đoạn có mối liên hệ logic chặt chẽ với nhau. Cụ thể, đó là các bước cơ bản sau đây:

Bước 1. Quan sát (chẳng hạn, nhìn thấy 1 hiện tượng nào đó).

Bước 2. Nêu câu hỏi nghi vấn (chẳng hạn, vì sao hiện tượng đó diễn ra? Hiện tượng đó do yếu tố gì gây ra? Hiện tượng đó sẽ diễn tiến thế nào trong tương lai?)

Bước 3. Hình thành giả thiết/giả thuyết khoa học (chẳng hạn, hiện tượng đó diễn ra, khả năng chủ yếu, là do nguyên nhân X, Y, Z).

Bước 4. Đưa ra các dự đoán có thể kiểm chứng được (chẳng hạn, nếu đúng X, Y, Z gây ra hiện tượng A ở 1 quốc gia tại thời điểm hiện tại thì có thể nguyên nhân X, Y, Z gây ra hiện tượng đó ở quốc gia có điều kiện tương tự…).

Bước 5. Thu thập bằng chứng để xác nhận hoặc bác bỏ giả thiết khoa học.

Bước 6. Đưa ra kết luận (nếu giả thiết đã được kiểm chứng), hình thành lý thuyết khoa học.

Phương pháp khoa học như vậy được áp dụng trước hết trong lĩnh vực khoa học tự nhiên (từ thế kỷ 17). Tuy nhiên, từ thế kỷ 19 đến nay, phương pháp khoa học ấy đã được mở rộng sang các lĩnh vực khoa học xã hội, gắn liền với sự khai sinh các chuyên ngành khoa học xã hội rất quan trọng như (1) nhân chủng học (anthropology, khoảng cuối thế kỷ 19), (2) xã hội học (sociology) (nửa cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20), (3) quản trị học (đầu thế kỷ 20), (4) chính trị học (political science) (những năm thuộc thập niên 30 của thế kỷ 20) v.v.

Như vậy, có thể thấy, phương pháp khoa học như đã nêu ở trên giúp cho việc hình thành tri thức khoa học tương đối khác với việc hình thành các loại ý tưởng, ý niệm khác (chẳng hạn ý tưởng, ý niệm về tôn giáo). Vì tri thức khoa học là sản phẩm của quá trình lao động khoa học, theo phương pháp khoa học, nên tri thức ấy luôn mở cửa cho việc chứng minh đúng/sai.

II. QUY TRÌNH TRIỂN KHAI MỘT DỰ ÁN/ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Ứng dụng phương pháp tiến hành hoạt động khoa học vừa nêu trên trong quá trình tiến hành một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học đã gắng nhận diện những bước, những công đoạn lao động, công đoạn tư duy cụ thể để giúp việc tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học một cách hữu hiệu nhất. Đối với lĩnh vực khoa học xã hội (trong đó có cả lĩnh vực luật học), đây là lĩnh vực khoa học quan tâm tới xã hội hiện thực: tức là gắng tìm hiểu, phản ánh xem xã hội hiện thực đang vận hành như thế nào và tại sao lại có sự vận hành như vậy. Khoa học xã hội cũng góp phần cung cấp một dự đoán (một cách tương đối) rằng với cách vận hành xã hội như vậy, liệu tương lai của xã hội sẽ ra sao. Khoa học xã hội vì thế, thường không giải quyết được vấn đề thuộc về lĩnh vực triết học xã hội đó là: một xã hội lý tưởng là xã hội như thế nào (hoặc nên là xã hội như thế nào). Nói cách khác, khoa học xã hội quan tâm tới các câu hỏi thực chứng (positive/descriptive questions) hơn là các câu hỏi mang tính chuẩn tắc (normative questions). Nhà khoa học xã hội, vì thế, là nhà quan sát và tìm hiểu/phản ánh xã hội. Do giới hạn của nhận thức, các nhà khoa học xã hội thường có cách đánh giá, nhìn nhận khác nhau về một hiện tượng xã hội (chẳng hạn khác nhau về việc đánh giá, đo lường, tiên lượng hiện tượng cũng như khác nhau trong đánh giá ý nghĩa, tầm quan trọng, những ngụ ý, ẩn ý của một hiện tượng). Tuy nhiên, họ khá thống nhất ở việc tin rằng, các câu hỏi thực chứng, có thể trả lời được dưới dạng chân lý đúng/sai (khách quan) bằng các dữ liệu, bằng chứng, sự kiện hiện thực. Các vấn đề thuộc về chuẩn tắc, giá trị, giữa các khà khoa học xã hội thường không có cách nhìn nhận giống nhau. Theo nhiều nhà khoa học xã hội đương đại, một dự án nghiên cứu khoa học xã hội (trong đó có nghiên cứu khoa học pháp lý) thường phải trải qua một quy trình 10 bước như sau:

Bước 1. Chọn chủ đề nghiên cứu (what is your topic?)
Bước 2. Đánh giá tình hình nghiên cứu (literature review: what have others already learned?)
Bước 3. Làm rõ vấn đề nghiên cứu (what, exactly, are your questions?)
Bước 4. Xác định nguồn lực, điều kiện cho việc nghiên cứu (what will you need to carry out research?)
Bước 5. Lưu ý tới khía cạnh đạo đức trong nghiên cứu (are there ethical concerns?)
Bước 6. Xác định phương pháp nghiên cứu (What method will you use?)
Bước 7. Thu thập dữ liệu/bằng chứng từ hoạt động nghiên cứu (how will you record the data?)
Bước 8. Giải mã dữ liệu (xây dựng lý thuyết): (What do the data tell you?)
Bước 9. Kết luận: (What are your conclusions?) và chuẩn bị báo cáo kết quả nghiên cứu
Bước 10. Sẻ chia những tri thức mới đã phát hiện được (how can you share what you’ve learned?)

Nguồn: John J. Macionis and Linda M. Gerber, Sociology, 6th Canadian Ed., (Toronto: Pearson Prentice, 2008) at 49-51.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội học, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội cho rằng, có 3 xuất phát điểm cơ bản (ba xu hướng phương pháp luận nhận thức cơ bản) trong cách tiếp cận hiện thực xã hội (tiếp cận hiện tượng xã hội) mà các nhà nghiên cứu cần lưu ý đó là:

1. Cách tiếp cận thực chứng/khoa học (scientific sociology): theo cách tiếp cận này, xã hội được nhìn như là sự tương tác của các “biến số”. Bằng sự quan sát xã hội khách quan, và gán các hiện tượng xã hội bằng các biến số, ta có thể hiểu được mô thức vận động của các hiện tượng xã hội. Cách tiếp cận này nhìn xã hội tồn tại khách quan, không lệ thuộc vào ý thức chủ quan của đối tượng bị quan sát/nghiên cứu. Trọng tâm chính của xu hướng nghiên cứu này là làm rõ mối quan hệ nhân quả (cause-and-effect relationship) giữa các biến số và các mối quan hệ khác giữa các biến số (hiện tượng xã hội). Cha đẻ của lối nghiên cứu này chính là August Comte và Emile Durkheim).

Trong thực tế nghiên cứu về xã hội hiện nay, một dạng biểu hiện cụ thể của cách tiếp cận này chính là cách tiếp cận cơ cấu – chức năng (hoặc cách tiếp cận theo chức năng) (structural-functional approach or functional approach): Theo cách tiếp cận này, xã hội được nhìn như một tổng thể gồm nhiều bộ phận cấu thành nhưng giữa các bộ phận có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, với những chức năng được xác định hợp thành nên một chỉnh thể xã hội. Nói cách khác, với cách tiếp cận này, xã hội được nhìn như 1 cỗ máy hoặc cái đồng hồ trong đó bộ phận nào có chức năng của bộ phận ấy. Với cách nhìn nhận như vậy, một xã hội lý tưởng (hoặc một xã hội hợp lẽ tự nhiên) là xã hội có tính hài hòa trong đó các bộ phận làm đúng chức năng, phận sự của mình. Trong xã hội lý tưởng ấy, khi các bộ phận xã hội làm đúng chức năng, sẽ tạo nên sự ổn định và cố kết (hoặc sự đoàn kết) xã hội. Bất ổn xã hội xảy ra khi các bộ phận không làm đúng chức năng, bổn phận, nhiệm vụ hay phần việc của mình. Giải pháp cho các bất ổn xã hội là làm sao giúp cho các bộ phận, các phần cấu thành nên xã hội trở về trạng thái tự nhiên, vốn có, làm đúng chức năng, bổn phận của mình. Lý thuyết cơ cấu, chức năng ẩn chứa lý tưởng về một xã hội hài hòa, ổn định, trong trật tự. Thông thường, lý thuyết này có xu hướng “bảo thủ” tức là mong muốn duy trì một hiện trạng xã hội lý tưởng theo thứ bậc, tôn ti, trật tự được coi là “trật tự tự nhiên” mà các tri thức sẵn có của xã hội có thể hình dung nên được. Lý thuyết cơ cấu, chức năng cũng có xu hướng cổ vũ cho sự hợp tác và ổn định xã hội.
Gắn với lĩnh vực khoa học pháp lý của chúng ta, việc các bạn vẫn nghe thấy đánh giá về “chức năng kinh tế của nhà nước” theo kiểu “nhà nước can thiệp quá sâu vào nền kinh tế”, chính là một trong những ứng dụng của cách tiếp cận dựa theo chức năng (functional approach). Theo cách tiếp cận này, nhà nước được sinh ra và có thiên chức là giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng xã hội. Điều này cũng hàm ý rằng, những vấn đề riêng có của cá nhân, những vấn đề mà các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có thể tự giải quyết được thì nhà nước không nên can thiệp. Nhà nước chỉ nên tham gia giải quyết những vấn đề chung của xã hội mà mỗi cá nhân, tổ chức không thể tự giải quyết, không có động lực giải quyết hoặc giải quyết sẽ không hiệu quả. Ví dụ: nhà nước nên quan tâm để giải quyết các trục trặc, khuyết tật của nền kinh tế thị trường như việc thiếu hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, duy trì trật tự trị an, bảo đảm an ninh, an toàn cá nhân thay vì trực tiếp tổ chức các doanh nghiệp để tranh kinh doanh với dân.
Một ví dụ khác có thể khá quen thuộc với các bạn, những người xây dựng pháp luật đó là việc chúng ta đặt ra yêu cầu hệ thống pháp luật phải “thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp”. Pháp luật được sinh ra là để điều chỉnh hành vi của con người, giống như hệ thống biển báo giao thông. Việc pháp luật quy định một cách không rõ ràng, không thống nhất, không đồng bộ với nhau sẽ làm cho chức năng của pháp luật bị ảnh hưởng tiêu cực.

2. Cách tiếp cận của phái xã hội học giải nghĩa (interpretive sociology), theo đó, hành vi của con người không thể mô tả bằng các số liệu khô cứng mà phải chú ý tới khía cạnh quan trọng hơn đó là ý nghĩa của hành vi theo nhận thức chủ quan của chủ thể hành vi đó. Với cách tiếp cận này, hiện thực xã hội không chỉ là những thứ khách quan có thể quan sát được một cách cơ học, máy móc. Hiện thực xã hội bao giờ cũng gắn bó với thế giới tư tưởng và ý niệm, thế giới ý nghĩa do con người tạo nên. Chính sự tồn tại của thế giới biểu tượng, ý nghĩa này, khiến xã hội loài người khác với các loài vật khác. Cha đẻ của cách tiếp cận này trong xã hội học là Max Weber – người đặt vấn đề phê phán cách tiếp cận thực chứng luận.

Trong lĩnh vực chính sách, pháp luật, việc đề cao công tác tuyên truyền, phổ biến, truyền thông thay đổi nhận thức của con người cũng chính là một trong những biểu hiện của cách tư duy mà trường phái tiếp cận giải nghĩa vừa nêu.

3. Cách tiếp cận phê phán (critical sociology): cách tiếp cận này nhìn nhận hiện trạng xã hội như một tình trạng khiếm khuyết và bất công, cần phải bị thay đổi bằng một tương lai/hiện thực khác. Cũng theo thứ lý thuyết này, không có lý thuyết khoa học xã hội khách quan. Mọi lý thuyết khoa học đều mang bản chất chính trị và đều nhằm cổ vũ/biện minh cho một xu hướng chính trị nào đó (chẳng hạn, đó có thể là xu hướng của chủ nghĩa bảo thủ. chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tư bản v.v.). Karl Marx được coi là một trong những cha đẻ của xu hướng nhận thức này. Cũng theo cách tiếp cận này, xã hội là một đấu trường hoặc “chiến trường” trong đó tình trạng bất bình đẳng, sự mâu thuẫn, cạnh tranh, đối kháng thuộc về bản chất của xã hội. Theo cách tiếp cận này, sự hài hòa, ổn định trong xã hội chỉ là những trạng thái mang tính “tạm thời” bởi giữa người với người hoặc giữa các bộ phận cấu thành nên xã hội luôn ở trong quá trình thay đổi, đấu tranh không ngừng và chính sự đấu tranh, thay đổi này lại góp phần tạo nên động lực đấu tranh mới, tạo nên tình trạng bất bình đẳng xã hội. Theo cách tiếp cận này, xã hội đương thời là xã hội bất công và đẳng cấp trong đó người với người bị chia thành nhiều thứ bậc khác nhau do sự khác biệt về tài sản, địa vị xã hội, giới tính, và chủng tộc. Cách tiếp cận này cũng có xu hướng cho rằng, đấu tranh (và mâu thuẫn) là động lực thúc đẩy xã hội tiến lên. Những con đẻ của cách tiếp cận này chính là hệ tư tưởng của chủ nghĩa nữ quyền (feminism) trong đó nhìn nhận xã hội như một môi trường tràn ngập sự áp bức đối với phụ nữ bởi phái mạnh (nam giới). Nói cách khác, theo cách tiếp cận này, xã hội hiện thời là xã hội được cấu tạo, từ bản chất, theo hướng chỉ thuận lợi và thăng hoa cho phái nam và tước bỏ những cơ hội của phái nữ. Hầu hết các lý thuyết lên án sự bất công xã hội, sự thống trị xã hội của một thiểu số người vì lý do giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, địa lý chia sẻ cách tiếp cận xung đột – mâu thuẫn xã hội này.[2]

Liên hệ với lĩnh vực nhà nước và pháp luật, chúng ta đã khá quen với luận đề nổi tiếng của Marx khi nhấn mạnh tới bản chất “công cụ giai cấp” của pháp luật trong các xã hội có phân tầng và có giai cấp: Pháp luật của [xã hội tư sản] chẳng qua chỉ là “ý chí của các ông [giai cấp tư sản] được nâng lên thành luật áp dụng chung cho tất cả mọi người – thứ ý chí mà nội dung chủ yếu của nó do điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp các ông quyết định.”[3] Trong hiện thực xã hội, với tính đa dạng và đa chiều của xã hội, mỗi cách tiếp cận chỉ góp phần giúp những nhà quan sát xã hội soi rọi một phần nhỏ vào bản chất và hiện thực xã hội. Không có cách tiếp cận nào được coi là toàn diện và tuyệt đối đúng trong việc phản ánh, mô tả và giải thích xã hội. Ngoài 3 cách tiếp cận kể trên trong phân tích xã hội, nhiều nhà xã hội học đương đại còn sử dụng lý thuyết hậu hiện đại (postmodernism) trong phân tích xã hội. Theo cách tiếp cận này, việc xây dựng một lý thuyết chung phản ánh trung thực bản chất hiện tượng xã hội là một giấc mơ ảo tưởng. Cũng theo cách tiếp cận này, lý thuyết nào tuyên bố về sự độc quyền chân lý là lý thuyết phi khoa học. Chân lý có tính chủ quan và tương đối lệ thuộc vào góc nhìn, chỗ đứng và nhiều yếu tố khác của các nhà nghiên cứu xã hội hoặc các chủ nhân xã hội.

III. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC PHÁP LÝ LÀ GÌ?

Khoa học pháp lý là một lĩnh vực khoa học xã hội lấy nhà nước và pháp luật là đối tượng nghiên cứu của mình. Khoa học pháp lý nhìn nhận nhà nước và pháp luật ở nhiều góc độ khác nhau và ở nhiều trạng thái khác nhau. Nhìn chung, có 3 xu hướng nghiên cứu về nhà nước và pháp luật: xu hướng triết học, xu hướng thực chứng và xu thế nghiên cứu so sánh.

1. Xu hướng triết học

Khi nghiên cứu về nhà nước, xu hướng triết học (hay còn gọi là xu hướng triết học pháp luật) gắng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi như: vì sao nhà nước ra đời? Nhà nước ra đời mang lại lợi ích gì? Sự hiện diện của Nhà nước có thể đưa tới những nguy cơ gì? Khi nghiên cứu về pháp luật, xu hướng triết học pháp luật gắng đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi rất phức tạp như: vì sao pháp luật ra đời? Pháp luật ra đời mang lại lợi ích gì cho xã hội? Pháp luật ra đời có thể đưa tới những phiền toái gì cho xã hội? Ngoài ra, triết học pháp quyền còn đặc biệt quan tâm tới vấn đề về tính công bằng của pháp luật (giữa pháp luật và công lý có mối quan hệ gì với nhau?). Những câu hỏi lớn mà hướng nghiên cứu này gắng tìm câu trả lời là: Ý nghĩa xã hội của pháp luật là gì? Thế nào là một nhà nước tốt? Thế nào là một thứ pháp luật tốt?

Xu hướng triết học pháp luật trong nghiên cứu nhà nước và pháp luật ở nước ta thời gian qua thường đặc biệt coi trọng nội dung trong chủ nghĩa Mác-Lênin về nhà nước và pháp luật. Lý thuyết này đề cao yếu tố cấu trúc lợi ích và cấu trúc giai cấp, đấu tranh giai cấp trong việc giải thích sự ra đời và sự tồn tại, vận động của các hiện tượng nhà nước và pháp luật. Thời gian gần đây, do có sự nhận thức lại về bản chất của nhà nước và pháp luật, khía cạnh bản chất xã hội của nhà nước và pháp luật đã được quan tâm, phân tích sâu sắc hơn.
Ngoài cách tiếp cận chủ đạo này, các cách tiếp cận khác về nhà nước và pháp luật, nói chung, chưa được quan tâm nhiều lắm. Thực tế này là một mảnh đất mầu mỡ cho những ai có sự ưu tư về các vấn đề triết học liên quan tới nhà nước và pháp luật hiện nay có thể tiến hành?

Ví dụ: trong lý luận triết học pháp luật được phổ biến ở các nước phát triển, câu chuyện về mối quan hệ giữa pháp luật và công lý là chủ đề có tính kinh điển của hai trường phái triết học pháp luật chủ đạo là trường phái pháp luật tự nhiên (natural law) và trường phái pháp luật thực chứng (legal positivism).
Với xu hướng triết học trong nghiên cứu khoa học pháp lý như vậy, phương pháp nghiên cứu được sử dụng chủ đạo ở đây là phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, suy luận logic.

2. Xu thế nghiên cứu thực chứng về pháp luật

Xu hướng này có nhiều trường phái khác nhau. Xin đơn cử 2 trường phái đang có ảnh hưởng quan trọng:
Thứ nhất, trường phái xã hội học pháp luật (Sociology of Law hoặc Law and Society). Trường phái này là một phân nhánh của khoa xã hội học, nghiên cứu pháp luật trong bối cảnh xã hội sản sinh ra pháp luật ấy.[4] Trường phái này là sự tiếp nối tư tưởng nghiên cứu pháp luật từ thời La Mã cổ đại, được kế tục trong thời kỳ khai sáng với các học giả quan trọng như Hobbes, Locke, Montesquieu và Rousseau. Tuy nhiên, khi xã hội học được ra đời nhờ sự đóng góp của August Comte (1798-1857), Emile Durkheim (1958-1917), Max Weber (1864-1920), và Roscoe Pound (1870-1964), thì nền tảng lý luận xã hội học pháp luật được củng cố vững chắc hơn. Ở chừng mực nhất định, tư tưởng của Marx về pháp luật cũng có thể được xếp và trường phái xã hội học pháp luật.

Thứ hai, trường phái kinh tế học pháp luật (Law and Economics) hoặc kinh tế học thể chế (Institutional Economics). Trường phái này nhấn mạnh tới mối tương tác giữa pháp luật với quá trình phân bổ nguồn lực khan hiếm trong xã hội. Theo lý luận của trường phái này, pháp luật có vai trò quan trọng đối với sự phân bổ nguồn lực tối ưu trong xã hội (có thể khuyến khích hoặc ngăn cản các hoạt động tối ưu hóa sử dụng nguồn lực trong xã hội). Trường phái này được xây dựng dựa trên một giả định quan trọng (nhưng là thứ giả định mang tính giản lược và có phần siêu hình) về bản chất của con người, bản chất hành vi của con người. Theo đó, cá nhân con người trong đời sống hiện thực đều là những con người có hai đặc điểm là “vị lợi” (self-interested) và “duy lý” (rational). Điều này hàm ý rằng, hành vi của mỗi con người là sản phẩm của sự chọn lựa duy lý (có cân nhắc tính toán thiệt/hơn, lợi/hại) và bị thúc đẩy bởi nhân tố lợi ích (mong muốn tối đa hóa lợi ích của bản thân hoặc của người thân thích của mình).

Trong thực tế nghiên cứu hiện nay, hai trường phái này đều có sự đan xen, trộn lẫn nhau.
Ngoài ra, phương pháp nghiên cứu được sử dụng phổ biến cho hướng nghiên cứu này chính là phương pháp định tính và phương pháp định lượng. Phương pháp định tính sử dụng các kỹ thuật nghiên cứu phổ biến như: phân tích dữ liệu có sẵn (nhất là văn bản, tài liệu có sẵn, trong đó có cả nhật ký, ghi chép của những người có liên quan), phỏng vấn để lấy ý kiến của các chuyên gia hoặc người có thông tin về vấn đề nghiên cứu.
Phương pháp định lượng sử dụng các kỹ thuật thống kê, tính toán để hình thành các số liệu cần thiết cho việc phân tích, đánh giá, rút ra kết luận khoa học cần thiết.

3. Xu hướng nghiên cứu luật học so sánh

Nghiên cứu luật học so sánh là một xu hướng nghiên cứu rất quan trọng và có ứng dụng rộng rãi trong công tác xây dựng pháp luật. Cốt lõi của việc nghiên cứu luật học so sánh không đơn thuần là đi so sánh, tìm hiểu, giải thích sự giống và khác nhau trong các quy định pháp luật hoặc trong các hiện tượng pháp lý ở các quốc gia khác nhau. Cốt lõi của nghiên cứu luật học so sánh hiện nay chính là tìm hiểu hiện tượng các ý tưởng pháp lý hoặc các giải pháp pháp lý, các quy phạm, chế định pháp lý, thiết chế pháp lý cụ thể đã “khuếch tán” như thế nào ra khỏi quê hương của mình. Nói cách khác, luật học so sánh quan tâm hàng đầu tới việc các hệ thống pháp luật của các quốc gia tương tác với nhau thế nào, có thể học hỏi được ở nhau những gì. Chính vì thế, trong những năm gần đây, lý thuyết luật so sánh được phát triển và ứng dụng rộng rãi hiện nay là lý thuyết cấy ghép pháp luật (hoặc lý thuyết tiếp nhận pháp luật nước ngoài) (legal transplantation theory). Lý thuyết này quan tâm giải quyết các vấn đề như:

  • Vì sao pháp luật quốc gia khác nhau lại quan tâm học hỏi lẫn nhau?
  • Trường hợp nào việc du nhập pháp luật của nước khác vào quốc gia mình sẽ thành công và trường hợp nào không thành công?
  • Khi một quy phạm/giải pháp pháp lý hoặc một chế định, thiết chế pháp lý được du nhập vào một quốc gia thì chúng sẽ bị biến đổi (khúc xạ) như thế nào so với thiết kế nguyên mẫu của mình.

Điều kỳ quặc là, dù nhiều học giả cho rằng quy phạm pháp luật/thiết chế pháp luật sau khi du nhập sẽ không còn giữ nguyên được tính năng, tác dụng ban đầu của mình, nhưng thực tế, vay mượn pháp luật, nhập khẩu, du nhập pháp luật vẫn là cách mà hàng loạt quốc gia sử dụng khi tiến hành cải cách pháp luật.
Ngày nay, xu hướng nghiên cứu so sánh đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong lĩnh vực luật học mà cả trong nhiều lĩnh vực khác như: chính trị học so sánh (comparative politics), kinh tế học so sánh (comparative economic systems), chính sách công so sánh (comparative public policy), hành chính công so sánh (comparative public administration), tư pháp hình sự so sánh (comparative criminal justice systems) v.v.

IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC PHÁP LÝ

Phương pháp nghiên cứu khoa học pháp lý có thể hiểu đó là những phương pháp nghiên cứu khoa học được vận dụng vào hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý. Nói cách khác, đó chính là cách thức tiến hành các công việc nghiên cứu mà người làm công tác nghiên cứu cần phải thực hiện để thu thập được những bằng chứng, dữ liệu, tìm ra những phát hiện, những tri thức mới đáng tin cậy.

Phương pháp nghiên cứu khoa học pháp lý thường được chia thành 2 nhóm phương pháp: phương pháp định tính và phương pháp định lượng. Đi vào cụ thể, có thể nói tới 5 phương pháp cơ bản như: (1) phương pháp quan sát, mô tả thực tế; (2) phương pháp thực nghiệm khoa học; (3) phương pháp điều tra (phỏng vấn ngẫu nhiên, phỏng vấn sâu, điều tra theo mẫu v.v.); (4) phương pháp nghiên cứu tình huống (case studies); (5) phương pháp phân tích dữ liệu thứ cấp (dữ liệu có sẵn, chẳng hạn các số liệu thống kê); (6) phương pháp so sánh (trong lĩnh vực luật là phương pháp luật học so sánh). Trong quá trình xử lý dữ liệu được thu thập (kể cả dữ liệu sơ cấp hoặc dữ liệu thứ cấp), nhất là khi viết báo cáo kết quả nghiên cứu, nhà nghiên cứu thường sử dụng các kỹ thuật xử lý dữ liệu hoặc kỹ thuật tư duy (mà nhiều khi cũng được gọi là phương pháp nghiên cứu) như: tổng hợp, phân tích, trừu tượng hóa, mô hình hóa, diễn dịch, quy nạp v.v.

Trong thực tế hiện nay, người làm nghiên cứu khoa học pháp lý có thể sử dụng rất nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học khác nhau tùy theo đối tượng, nội dung hay vấn đề nghiên cứu cần thực hiện.

Chẳng hạn, khi nghiên cứu các vấn đề mang tính lý luận, để nhận diện sâu sắc hơn bản chất của vấn đề, phương pháp trừu tượng hóa, phương pháp phân tích, tổng hợp, mô hình hóa sẽ được sử dụng.

Khi nghiên cứu các vấn đề thực tiễn, việc điều tra, khảo sát thực tiễn, thu thập số liệu thống kê (hay còn gọi là phương pháp xã hội học) rất cần thiết được thực hiện.

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, do sự giới hạn về thời gian, nguồn lực nghiên cứu, người được giao thực hiện nghiên cứu không có điều kiện để tự mình tiến hành tổng hợp, nghiên cứu toàn bộ các vấn đề mà phải sử dụng các chuyên gia, người có am hiểu sâu về một số nội dung, khía cạnh được nghiên cứu. Khi này, giới nghiên cứu thường gọi là phương pháp tham vấn ý kiến chuyên gia hoặc trưng cầu ý kiến chuyên gia.
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học pháp lý, sự tương tác giữa các hệ thống pháp luật với nhau diễn ra khá phổ biến, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay. Chính vì thế, phương pháp nghiên cứu luật học so sánh rất được coi trọng.[5]

Dưới đây, xin làm rõ thêm về một số phương pháp nghiên cứu khoa học thường được sử dụng:

1. Phương pháp phân tích và tổng hợp

Phân tích là phương pháp nhận thức về sự vật, hiện tượng bằng cách chia sự vật, hiện tượng (mang tính toàn thể hay tổng thể) thành những phần, những bộ phận, những chiều cạnh giản đơn hơn để nghiên cứu. Ví dụ, khi nghiên cứu về mô hình tổng thể bộ máy nhà nước Việt Nam, người làm nghiên cứu khoa học pháp lý thường chia nhỏ ra để nghiên cứu riêng về 4 bộ phận cơ bản: (1) cơ quan lập pháp, (2) cơ quan hành pháp, (3) cơ quan tư pháp, và (4) bộ máy chính quyền địa phương. Qua việc phân tích, làm rõ từng phần, từng bộ phận, tổng hợp lại kết quả, xâu chuỗi, xâu nối lại, ta có bức tranh tổng thể về bộ máy nhà nước. Phương pháp phân tích trong nghiên cứu khoa học chính là việc ứng dụng lối tư duy, chia việc khó thành nhiều việc dễ để thực hiện.
Tổng hợp là quá trình ngược lại của hoạt động phân tích. Tuy nhiên, về bản chất, tổng hợp là bước kế tiếp của phương pháp phân tích. Sau khi đã có tri thức riêng lẻ về từng mảnh, từng bộ phận, sự xâu nối, kết hợp các tri thức riêng lẻ thành kiến thức tổng thể chính là phương pháp tổng hợp trong nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học pháp lý nói riêng.
Chính vì vậy, có thể nói, phân tích và tổng hợp là hai phương pháp gắn bó chặt chẽ quy định và bổ sung cho nhau trong hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học pháp lý nói riêng.

2. Phương pháp mô hình hóa[6]

Phương pháp mô hình hóa là một phương pháp khoa học để nghiên cứu các đối tượng, các quá trình … bằng cách xây dựng các mô hình của chúng (các mô hình này bảo toàn các tính chất cơ bản được trích ra của đối tượng đang nghiên cứu) và dựa trên mô hình đó để nghiên cứu trở lại đối tượng thực.
Cơ sở logic của phương pháp mô hình hóa là phép loại suy. Phương pháp mô hình hóa cho phép tiến hành nghiên cứu trên những mô hình (vật chất hay ý niệm (tư duy)) do người nghiên cứu tạo ra (lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn đối tượng thực) để thay thế việc nghiên cứu đối tượng thực. Điều này thường xảy ra khi người nghiên cứu không thể hoặc rất khó nghiên cứu đối tượng thực trong điều kiện thực tế.
Phương pháp mô hình hóa xem xét đối tượng nghiên cứu như một hệ thống (tổng thể), song tách ra từ hệ thống (đối tượng) các mối quan hệ, liên hệ có tính quy luật có trong thực tế nghiên cứu, phản ánh được các mối quan hệ, liên hệ đó của các yếu tố cấu thành hệ thống – đó là sự trừu tượng hóa hệ thống thực.
Dùng phương pháp mô hình hóa giúp người nghiên cứu dự báo, dự đoán, đánh giá các tác động của các biện pháp điều khiển, quản lý hệ thống.Ví dụ: sử dụng phương pháp phân tích cấu trúc (đặc biệt là cấu trúc không gian, các bộ phận hợp thành có bản chất vật lý giống hệt đối tượng gốc) để phản ánh, suy ra cấu trúc của đối tượng gốc như: mô hình động cơ đốt trong, mô hình tế bào, sa bàn….

3. Phương pháp điều tra, khảo sát xã hội học

Trong thực tiễn nghiên cứu khoa học pháp lý hiện nay, đánh giá thực tiễn vận hành của pháp luật trong đời sống là chủ đề rất quan trọng. Công việc này có thể thực hiện bằng việc tham vấn ý kiến chuyên gia, những người đã nhiều năm theo dõi, quan sát về lĩnh vực mà người được giao nhiệm vụ nghiên cứu tìm hiểu. Tuy nhiên, kể cả việc tham vấn ý kiến chuyên gia như vậy cũng khó thu được thông tin đầy đủ và toàn diện. Chính vì thế, phương pháp điều tra, khảo sát xã hội học rất được coi trọng.

Việc điều tra, khảo sát xã hội học đòi hỏi rất nhiều yêu cầu, kỹ thuật để thực hiện. Điều trước tiên là phải xác định được phạm vi, nội dung, đối tượng điều tra, khảo sát. Đây chính là những người có được thông tin mà người nghiên cứu đang cần được tiếp cận. Chẳng hạn, nếu chúng ta được giao nhiệm vụ đánh giá thực tiễn thi hành Luật an toàn thực phẩm năm 2010 bằng việc điều tra, khảo sát thực tiễn, khi xác định đối tượng điều tra, khảo sát phải bao gồm các nhóm đối tượng cơ bản sau đây:

– Cán bộ trực tiếp tổ chức thực thi Luật: cán bộ các cơ quan y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương ở các cấp.

– Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trực tiếp phải chấp hành Luật an toàn thực phẩm: ví dụ cơ sở thức ăn đường phố, nhà hàng v.v.

– Người dân với tư cách là người tiêu dùng thực phẩm.

Việc chọn địa bàn điều tra, khảo sát cũng rất quan trọng. Yêu cầu chính khi chọn địa bàn điều tra, khảo sát là phải xem địa bàn ấy có đối tượng được điều tra, khảo sát có nhiều thông tin cần thu thập hay không. Thêm vào đó, phải làm sao địa bàn được chọn mang tính đại diện cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, có đại diện của đô thị, nông thôn và miền núi (thậm chí là vùng biển, hải đảo). Ví dụ: khi điều tra, khảo sát về thực tiễn thi hành Luật an toàn thực phẩm, số tỉnh, thành phố được chọn làm địa bàn điều tra thường là 9 tỉnh để bảo đảm tính đại diện.
Việc xác định số lượng đối tượng được điều tra, khảo sát là rất cần thiết. Trước một thực tiễn, do đối tượng được điều tra, khảo sát có nhận thức khác nhau nên nếu số lượng đối tượng điều tra, khảo sát quá ít, kết quả điều tra, khảo sát sẽ khó bảo đảm được tính đại diện. Trong thực tiễn làm việc tại Viện Khoa học pháp lý, số lượng đối tượng được điều tra, khảo sát sẽ tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, với các cuộc điều tra, khảo sát có quy mô toàn quốc, số đối tượng được điều tra, khảo sát thường xoay quanh mức từ 3 tới 5 ngàn đối tượng.
Để thu thập được thông tin từ quá trình điều tra, khảo sát xã hội học, người làm công tác điều tra, khảo sát thường sử dụng 3 cách thức sau:

– Phỏng vấn đối tượng điều tra, khảo sát thông qua phiếu hỏi (phiếu thông thường hoặc phiếu phỏng vấn sâu).
– Tiến hành tọa đàm, trao đổi với các đối tượng được khảo sát.
– Thu thập số liệu thống kê, dữ liệu chính thống từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có dữ liệu, số liệu.

4. Phương pháp luật học so sánh

Sử dụng phương pháp so sánh để tìm ra điểm giống và khác của pháp luật giữa các quốc gia khác nhau chưa đủ để trở thành phương pháp luật học so sánh mặc dù phương pháp luật học so sánh thường sử dụng kỹ thuật so sánh, đối chiếu này.

Phương pháp luật học so sánh đòi hỏi nghiên cứu, giải thích sự phát sinh, phát triển, biến đổi của các quy phạm pháp luật, các chế định pháp luật, các thiết chế pháp luật trong bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử của quốc gia được chọn lựa để so sánh, từ đó hiểu rõ giá trị, vai trò, ý nghĩa của các quy phạm, chế định hoặc thiết chế đó. Trên cơ sở hiểu biết sâu sắc ấy, việc so sánh và phát hiện điểm giống và khác, cùng với sự giải thích căn nguyên của những sự giống và khác đó mới có ý nghĩa.

Ngoài ra, phương pháp luật học so sánh còn quan tâm tới hiện tượng tiếp nhận, lan tỏa, khuếch tán pháp luật nước ngoài (legal diffusion) hoặc cấy ghép pháp luật, khi các quốc gia có sự học hỏi, tham khảo lẫn nhau để hoàn thiện pháp luật của quốc gia mình.

V. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC PHÁP LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT – LIÊN HỆ THỰC TIỄN

1. Xây dựng pháp luật là gì?

Bản chất của hoạt động xây dựng pháp luật không phải là chủ đề bàn luận mới của giới khoa học pháp lý ở Việt Nam[7]. Sự thực, tại các cơ sở đào tạo luật ở nước ta, trong các khóa giảng thuộc chuyên ngành lý luận nhà nước và pháp luật, chủ đề về “xây dựng pháp luật” đã được giảng dạy cho sinh viên ở các cơ sở đào tạo luật của nước ta. Một cách khái quát nhất, xây dựng pháp luật là hoạt động ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định của pháp luật (tức là các quy phạm pháp luật) cho phù hợp với nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội[8]. Nói cách khác, xây dựng pháp luật là hoạt động tạo lập mới hoặc thay đổi các quy phạm pháp luật đã có – tế bào của hệ thống pháp luật. Thông qua hoạt động xây dựng pháp luật, hệ thống pháp luật có thể tăng lên hoặc giảm đi về số lượng các quy định. Không ít nhà khoa học pháp lý ở Việt Nam cho rằng, bản chất của hoạt động xây dựng pháp luật cần được nhìn nhận từ 2 khía cạnh cơ bản: Ở khía cạnh chính trị, xây dựng pháp luật là hoạt động nhằm thể hiện ý chí của nhà nước thành pháp luật. Đây cũng là quá trình “nhận thức và thể hiện các lợi ích của… xã hội,… của nhóm xã hội”[9]. Nói cách khác, xây dựng pháp luật là loại lao động quyền lực đặc biệt, thông qua đó các chuẩn mực xã hội được quyền uy hóa. Gắn với điều kiện chính trị cụ thể ở nước ta, xây dựng pháp luật chính là sự thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở khía cạnh kỹ thuật pháp lý, xây dựng pháp luật là “quá trình sáng tạo pháp luật… hình thành hệ thống các quy định pháp luật”[10]. Tổng hợp lại, nhiều nhà khoa học pháp lý cho rằng, xây dựng pháp luật là một hoạt động kỹ thuật-pháp lý mang tính chính trị. Xây dựng pháp luật, về bản chất, là hoạt động nhằm tạo ra các quy phạm pháp luật. Đó là hoạt động “đưa ý chí của Nhà nước, ý chí của nhân dân lên thành pháp luật”[11]. Trong thực tiễn ở Việt Nam, xây dựng pháp luật là hoạt động mang tính tổ chức rất chặt chẽ, được tiến hành theo những trình tự và thủ tục pháp luật quy định. Cụ thể, hiện tại, việc xây dựng và ban hành các văn bản của chính quyền trung ương được thực hiện theo các quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 (và Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/03/2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành VBQPPL) còn việc xây dựng và ban hành các văn bản của chính quyền địa phương được thực hiện theo quy định của Luật ban hành VBQPPL của HĐND và UBND năm 2004. Trên cơ sở những nhận thức chung kể trên, đã có nhà khoa học của Việt Nam khẳng định: “Xây dựng pháp luật ở Việt Nam là một quá trình hoạt động vô cùng quan trọng, phức hợp, bao gồm rất nhiều các hoạt động kế tiếp nhau, liên hệ chặt chẽ với nhau, do nhiều tổ chức và cá nhân có vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn khác nhau cùng tiến hành, nhằm chuyển hóa ý chí của Nhà nước, của nhân dân Việt Nam thành những quy định pháp luật dựa trên những nguyên tắc nhất định và được thể hiện dưới những hình thức pháp lý nhất định mà chủ yếu là VBQPPL”[12].

Quan niệm hoạt động xây dựng pháp luật là loại hình lao động quyền lực nhằm đưa ý chí của Nhà nước, ý chí của nhân dân lên thành pháp luật, tạo ra các quy phạm pháp luật như đề cập ở trên là đúng nhưng chưa đủ. Qua nghiên cứu của đề tài cấp nhà nước này, chúng tôi thấy cần bổ sung thêm 4 khía cạnh nhận thức về bản chất của hoạt động xây dựng pháp luật (nhất là gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam):

Thứ nhất, nhìn từ góc độ về phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước, xây dựng pháp luật là việc thực hiện quyền lập pháp (của Quốc hội) và việc thực hiện lập pháp ủy quyền (do các cơ quan nhà nước được Quốc hội quy định hoặc giao nhiệm vụ ban hành VBQPPL). Chính vì thế, hoạt động xây dựng pháp luật luôn gắn liền với cơ chế thực thi quyền lực nhà nước, cơ chế vận hành của Quốc hội và các cơ quan nhà nước thực hiện lập pháp ủy quyền. Thêm vào đó, chất lượng của công tác xây dựng pháp luật liên quan trực tiếp tới uy tín của Quốc hội (trái tim của một nền dân chủ) và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ hai, cần nhấn mạnh tới thực tế Nhân dân không phải là một khối đồng nhất mà là những khối, những nhóm lợi ích rất đa dạng. Thực tiễn Việt Nam trong gần 30 năm đổi mới vừa qua cho thấy xu thế phân tầng xã hội là một thực tế và sự phân tầng ấy ngày càng phức tạp. Cách tiếp cận cấu trúc xã hội theo kiểu truyền thống là 2 giai cấp (nông dân, công nhân), 1 tầng lớp (trí thức) đã ngày càng không phản ánh đúng thực tiễn xã hội Việt Nam hiện nay cũng như trong thời gian tới.[13] Chính vì thế, hoạt động hình thành nên pháp luật (ý chí chung của xã hội) thường xảy ra sự tương tác, va chạm, cọ xát, thậm chí là sự đấu tranh về quan điểm, ý kiến giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Điều này có nghĩa rằng, xây dựng pháp luật không đơn thuần là công việc riêng có của các cơ quan nhà nước hoặc các quan chức nhà nước mà công việc này thường bị các chủ thể khác nhau, đại diện cho những nhóm lợi ích khác nhau trực tiếp hoặc gián tiếp tác động. Điều này cũng có nghĩa rằng, cần nhìn nhận xây dựng pháp luật luôn ở trong trạng thái động và “mở”, không chỉ là sự tương tác giữa các thành tố trong bộ máy nhà nước mà thường có sự tương tác giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân bên ngoài nhà nước. Điều này cũng hàm ý rằng, xây dựng pháp luật luôn diễn ra trong môi trường chính trị-xã hội mà ở đó kết quả của hoạt động xây dựng pháp luật là sự kéo dài của những tương tác chính trị. Thực tế phức tạp này cũng góp phần luận giải vì sao hoạt động xây dựng pháp luật thường phải tuân theo những trình tự, thủ tục khá đặc biệt để bảo đảm rằng pháp luật thực sự là sản phẩm phản ánh ý chí chung của xã hội chứ không chỉ là sản phẩm của sự phản ánh ý chí của những nhóm lợi ích nhất định.

Thứ ba, cần nhấn mạnh tới thực tế rằng “xây dựng pháp luật” là một quá trình ra quyết định và pháp luật là cácquyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề mà thực tiễn xã hội đòi hỏi.[14] Nói cách khác, xây dựng pháp luật là quá trình xã hội (thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền) chọn lựa những giải pháp pháp lý để xử lý các vấn đề mà xã hội đang đặt ra, đòi hỏi nhà nước phải có biện pháp ứng phó. Xây dựng pháp luật chính là quá trình xã hội ra quyết định về việc thay đổi hành vi của những chủ thể nhất định để giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra. Việc quan niệm xây dựng pháp luật là một quá trình ra quyết định, sẽ đưa tới nhiều gợi mở quan trọng cho việc nhận diện chính xác hơn những vấn đề trong công tác hoàn thiện pháp luật. Theo lý thuyết về ra quyết định, một quyết định chỉ có thể là quyết định hợp lý (tối ưu), nếu người ra quyết định đáp ứng tối thiểu 2 điều kiện sau[15]: Một là, người ra quyết định (hoặc tham gia vào quá trình ra quyết định) phải có thông tin đầy đủ về vấn đề mà mình cần phải quyết định. Những thông tin này bao gồm: vấn đề mà xã hội đang đặt ra đỏi hỏi phải giải quyết là vấn đề gì? Nguyên nhân của vấn đề này là ở đâu? Sự tồn tại của vấn đề này (nếu không được giải quyết) sẽ mang lại những tác hại gì cho xã hội? Ai (nhóm đối tượng nào) là người phải chịu những tác hại đó? Mức độ phân bố tác hại đó có đồng đều hay không? Xã hội cần có những giải pháp (về nguồn lực, về tổ chức, về nhân lực, về hệ thống truyền thông v.v) như thế nào để giải quyết các vấn đề đó? Nguồn lực giải quyết các vấn đề đó lấy từ đâu? Hai là, người ra quyết định phải có năng lực xử lý các thông tin do tự mình thu thập được hoặc được cung cấp, để nhận diện đúng vấn đề, chọn lựa được giải pháp tối ưu xử lý vấn đề. Cách quan niệm “xây dựng pháp luật” là một quá trình ra quyết định cho thấy về mặt phương pháp luận, chúng ta chỉ có thể cải thiện chất lượng của pháp luật khi chất lượng thông tin sử dụng trong quá trình xây dựng pháp luật phải tốt (tức là phải đầy đủ, toàn diện, khách quan, trung thực) và người ở vị thế ra quyết định phải thực sự đủ “tâm” và “tầm” để xây dựng các VBQPPL có chất lượng.

Thứ tư, cần nhìn nhận đúng về mối quan hệ giữa pháp luật và đường lối, chính sách của Đảng cầm quyền, nhất là cần có quan niệm đúng về vai trò của pháp luật với tư cách là công cụ thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng cầm quyền. Có thể nói, quan điểm pháp luật phải thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng cầm quyền là đúng về mặt nguyên tắc, nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, việc thể chế hóa này không có nghĩa công việc của những người soạn thảo, góp ý, thẩm định và biểu quyết thông qua các văn bản pháp luật cụ thể không còn những dư địa để các chủ thể có liên quan thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình. Lý do đơn giản là, nếu quan niệm pháp luật chỉ là sự thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, thì dường như, vai trò, trách nhiệm của người làm công tác xây dựng pháp luật (bao gồm người tham gia tổng kết thực tiễn, phác thảo chính sách, soạn thảo, góp ý, thẩm định, biểu quyết thông qua) dễ bị hiểu giản đơn chỉ là làm nhiệm vụ “diễn dịch” chính sách, đường lối đã quyết từ trước rồi biến thành ngôn ngữ pháp lý. Sự thực, cách hiểu giản đơn như vậy rất không thỏa đáng bởi lẽ đường lối, chính sách của Đảng, nhất là những đường lối, chính sách thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng thường chỉ đề cập tới những quyết sách ở tầm chiến lược. Các chính sách chi tiết, cụ thể thể hiện trong từng quy phạm thường chỉ được hình thành cùng với quá trình nghiên cứu, tổng kết pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể, thậm chí, nhiều chính sách cụ thể, chỉ có thể hình thành và hoàn thiện cùng với quá trình soạn thảo văn bản. Như vậy, dù muốn, dù không, những người tham gia quá trình xây dựng pháp luật cũng là những người trực tiếp hình thành nên những chính sách cụ thể trong khuôn khổ các quyết sách, đường lối có tính chiến lược mà các cơ quan của Đảng cầm quyền đã quyết. Chẳng hạn, với việc xây dựng Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chủ trương của Đảng trong các văn kiện chỉ là cần xây dựng đạo luật về lĩnh vực này theo hướng tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là những định hướng có tính chất chiến lược. Các chính sách cụ thể liên quan tới trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, kiểm soát hợp đồng giao kết giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp như thế nào thì chỉ có thể hình thành cùng với quá trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quá trình soạn thảo, góp ý, thẩm định dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Như vậy, tuy nguyên tắc, xây dựng pháp luật là sự thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng là đúng, nhưng cách hiểu, cách vận dụng trong thực tiễn cần linh hoạt để phát huy đúng và đủ vai trò, trách nhiệm của những người làm công tác soạn thảo, xây dựng các văn bản pháp luật cụ thể. Thực tế cho thấy, dư địa “sáng tạo” chính sách cụ thể trong từng văn bản pháp luật của người tham gia công tác tổng kết thực tiễn, soạn thảo, góp ý, thẩm định và thông qua các VBQPPL còn rất lớn. Những người tham gia công tác xây dựng pháp luật này không chỉ đơn thuần là người diễn dịch đường lối, chính sách đã được quyết định từ trước, từ đâu đó ở bên ngoài quy trình xây dựng pháp luật. Ngoài ra, nhận thức đúng về quan điểm xây dựng pháp luật là sự thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng cũng đặt ra yêu cầu muốn đổi mới công tác xây dựng pháp luật, công tác hoạch định đường lối, chính sách của Đảng cũng cần có sự đổi mới tương ứng.

Từ kinh nghiệm thực tế, có 2 cái lõi để làm tốt công tác xây dựng pháp luật: (1) Kỹ năng làm chính sách công; (2) Kỹ năng nghiên cứu luật học so sánh. Cả hai công việc này đều rất cần thiết với công việc xây dựng pháp luật.

2. Vì sao xây dựng pháp luật cần nghiên cứu khoa học pháp lý?

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 lần đầu tiên đã chính thức thừa nhận mối lương duyên không thể chia cắt của hoạt động “xây dựng pháp luật” với hoạt động “nghiên cứu khoa học pháp lý”.

Lẽ dĩ nhiên, xây dựng pháp luật là quá trình ra quyết định, đó là quá trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn lựa giải pháp tối ưu nhất để giải quyết các vấn đề của thực tiễn xã hội. Muốn chọn lựa được giải pháp như vậy, thông tin có liên quan tới vấn đề cần giải quyết và thông tin có liên quan về giải pháp dự kiến chọn lựa là đầu vào không thể thiếu. Thông tin ấy làm sao có được nếu chúng ta xem nhẹ, bỏ qua hoạt động nghiên cứu khoa học.

VI. THÔNG ĐIỆP KẾT

Thứ nhấtnghiên cứu khoa học pháp lý bao giờ cũng là hoạt động sản xuất ra tri thức mới. Chính vì thế, hoạt động này đòi hỏi sự tìm tòi, trăn trở, khám phá, phát hiện ra những điều mới lạ. Việc chỉ tập hợp, cắt ghép, vào google tìm kiếm, cắt gọt tài liệu, sắp xếp, biến thành cái của mình không bao giờ là hoạt động nghiên cứu khoa học, mà về bản chất, có thể đó là một dạng đạo văn, ăn cắp tri thức. Thứ đó hoàn toàn xa lạ với bản chất của hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học pháp lý nói riêng. Ai còn có nhận thức như vậy thì xin hãy thay đổi. Đó là một sự hạ thấp, thậm chí là sự nhục mạ khoa học pháp lý. Thêm vào đó, tuy nghiên cứu khoa học pháp lý có tính đặc thù nhất định nhưng luôn nhớ rằng đạo đức của người làm nghiên cứu khoa học pháp lý trước hết phải tuân thủ theo những chuẩn mực đạo đức của người làm nghiên cứu nói chung, trong đó phẩm chất quan trọng hàng đầu của nhà khoa học là trung thực, tôn trọng sự thật. Với người mới vào nghề, xin nhấn mạnh tới yếu tố trung thực trong nghiên cứu khoa học đồng thời cần biết trân trọng những đóng góp của những nhà khoa học pháp lý đi trước. Điều này cũng có nghĩa rằng, không được phép ngụy tạo chứng cứ, dữ liệu. Mọi biểu hiện hời hợt, thiếu nghiêm túc khi đối xử với dữ liệu khoa học đều xa lạ với đạo đức khoa học. Việc đạo văn trong nghiên cứu khoa học pháp lý, thiếu footnote đều là những hành vi trái với nguyên tắc đạo đức căn bản trong nghiên cứu khoa học pháp lý. Ngoài ra, thực tiễn nghiên cứu cho thấy, có những vấn đề nghiên cứu rất tế nhị mà việc tiết lộ danh tính người cung cấp thông tin cho mình có thể gây ra những điều phiền phức với họ. Chính vì thế, người làm nghiên cứu khoa học pháp lý phải có những biện pháp bảo mật cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người đã hợp tác với mình trong quá trình nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý là đi vào ngưỡng cửa của thế giới chưa biết. Chính vì thế, người làm nghiên cứu khoa học pháp lý luôn phải đứng ở biên giới của tri thức khoa học. Người nào chỉ loanh quanh, luẩn quẩn với những điều mình đã biết hoặc người khác đã biết, tức là chỉ rong chơi trong hậu phương của tri thức khoa học pháp lý, thì những người ấy cũng không phải là những người hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý. Cái áo không làm nên thày tu!

Thứ ba, nếu áp dụng công nghệ xây dựng pháp luật bằng công nghệ xây dựng chính sách, pháp luật dựa trên bằng chứng (evidence-based policy making) thì hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật luôn đòi hỏi sự cung cấp thông tin, tri thức từ khoa học pháp lý. Nói cách khác, xây dựng pháp luật và khoa học pháp lý là hai hoạt động có mối quan hệ tương hỗ, cần đến nhau như cây xanh cần tới nguồn nước và nguồn chất dinh dưỡng. Vì vậy, những người xem nhẹ khoa học pháp lý không bao giờ có thể trở thành những người có năng lực, trình độ tốt để đảm nhận công việc xây dựng thể chế, chính sách cho quốc gia.

TS. Nguyễn Văn Cương
Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý

[1] Phương Thảo, “10 phát minh khoa học quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại”
[2] Nguồn: John J. Macionis and Linda M. Gerber, Sociology, 6th Canadian Ed., (Toronto: Pearson Prentice, 2008) at 24.
[3] Brian Z. Tamanaha, A General Jurisprudence of Law and Society (Oxford: Oxford University Press, 2001) at 41
[4] Peter Halstead, Jurisprudence, 2nd ed. (London and New York: Routledge, 2013) at 84.
[5] Phương pháp này đã được trình bày khái lược ở trên nên không phân tích sâu ở đây.
[6]
[7] GS.TS. Lê Minh Tâm và PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan (chủ biên), Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật (Hà Nội: NXB Công an nhân dân, 2010) tr. 481-487; PGS.TS. Hoàng Thị Kim Quế (chủ biên), Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật (Hà Nội: NXB Đại học quốc gia, 2006) tr. 474-483; PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan, Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2011) tr. 7-14.
[8] PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan, Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2011) tr. 8.
[9] Như trên, tr. 9.
[10] Như trên, tr. 9.
[11] Như trên, tr. 9.
[12] Như trên, tr. 13.
[13] Các công trình nghiên cứu về phân tầng xã hội đã thể hiện khá rõ điều này, chẳng hạn: PGS.TS. Nguyễn Đình Tấn, Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội (Hà Nội, NXB Lý luận chính trị, 2005); GS.TS. Đỗ Nguyên Phương và TS. Nguyễn Xuân Kiên (đồng chủ biên), Cơ cấu xã hội Việt Nam và những vấn đề xã hội bức xúc trong quá trình đổi mới (Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia, 2010).
[14] Tất nhiên, xét theo nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thì xây dựng pháp luật là quá trình nhân dân ra quyết định thông qua những người đại diện (công bộc) của mình. Ở các quốc gia có chế độ trưng cầu dân ý, nhân dân có thể trực tiếp ra quyết định trong việc xây dựng pháp luật.
[15] Stephen P. Robbins and Mary Coulter, Management, 11th ed. (Boston: Prentice Hall, 2012) at 179-185; cũng xem John Adair, Decision Making and Problem-Solving Strategies (London: Koganpage, 2010) at 19.

Các tìm kiếm liên quan đến Phương pháp nghiên cứu khoa học pháp lý, phương pháp nghiên cứu khoa học pháp lý là gì, phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành luật, giáo trình phương pháp nghiên cứu khoa học luật, quy trình nghiên cứu khoa học pháp lý, yêu cầu của nghiên cứu khoa học pháp lý, phương pháp nghiên cứu luật học pdf, tài liệu môn phương pháp nghiên cứu khoa học luật, khoa học pháp lý chuyên ngành là gì