EnglishVietnamese
Trang chủ / Nghiên cứu - Xây dựng pháp luật / Cung Cấp Thông Tin / Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

SLRI – Trọng tài thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế phương thức giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Với nhiều ưu thế như: việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đảm bảo tính linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo bí mật kinh doanh; phán quyết trọng tài là phán quyết cuối cùng, có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên và không những được thi hành trong nước mà còn cả ở 157 nước thành viên theo Công ước New York về Công nhận và Thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài năm 1958 mà Việt Nam là thành viên. Vì những ưu điểm này mà trong những năm gần đây phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được cộng đồng doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, thực trạng áp dụng các quy định pháp luật về thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập cần nghiên cứu và đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật.

1. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Theo quy định của Luật trọng tài thương mại (LTTTM) năm 2010, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được thực hiện nếu: (i) Vụ việc mà các bên tranh chấp thuộc thẩm quyền của trọng tài thương mại; (ii) Các bên có thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại và thỏa thuận này phải có hiệu lực, không bị rơi vào trường hợp không thể thực hiện được. Tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên mà việc giải quyết tranh chấp này được thực hiện bởi trọng tài vụ việc (adhoc) hoặc trọng tài quy chế. Việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài phải tuân theo trình tự, thủ tục nhất định quy định cụ thể tại LTTTM năm 2010, được thực hiện theo các bước sau đây:

1.1. Gửi đơn kiện, thụ lý và gửi thông báo đơn kiện

Quá trình tố tụng trọng tài bắt đầu bằng việc nguyên đơn phải gửi đơn kiện đến trung tâm trọng tài (trong trường hợp giải quyết bằng trọng tài quy chế) hoặc gửi đơn kiện cho bị đơn (trong trường hợp giải quyết bằng trọng tài vụ việc). Bị đơn cũng có quyền nộp đơn kiện lại nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp. Đơn kiện lại phải được gửi cho Trung tâm trọng tài (trường hợp giải quyết bằng trọng tài quy chế) hoặc gửi cho Hội đồng trọng tài và nguyên đơn (trường hợp giải quyết bằng trọng tài vụ việc) tại cùng thời điểm nộp bản tự bảo vệ. Trong quá trình tố tụng các bên có thể bổ sung, sửa đổi đơn kiện. Đơn kiện phải đáp ứng đầy đủ các thông tin được quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 30 LTTTM năm 2010. Một trong những nội dung quan trọng của đơn kiện là nguyên đơn phải chỉ ra cụ thể thông tin về người được nguyên đơn lựa chọn làm trọng tài viên. Kèm theo đơn kiện phải gửi theo bản thỏa thuận trọng tài và bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan. Thỏa thuận trọng tài là tài liệu quan trọng để trung tâm trọng tài xem xét, đánh giá tranh chấp có được thụ lý hay không.

Trường hợp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế, nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài không có quy định khác thì sau khi vụ kiện được thụ lý, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo và chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài, Trung tâm trọng tài phải gửi cho bị đơn bản sao đơn khởi kiện của nguyên đơn, thỏa thuận trọng tài các bên đã ký kết, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.

Thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn (trường hợp giải quyết bằng trọng tài vụ việc) hoặc từ khi Trung tâm trọng tài nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn (trường hợp giải quyết bằng trọng tài quy chế).

Thời hiệu khởi kiện theo tố tụng trọng tài là hai năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác.

1.2. Gửi bản tự bảo vệ

Trong thời hạn luật định, nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác thì bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài (đối với tranh chấp giải quyết tại trung tâm trọng tài) hoặc gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên bản tự bảo vệ.

Trường hợp nguyên đơn bị bị đơn kiện lại thì nguyên đơn phải gửi bản tự bảo vệ cho Trung tâm trọng tài (đối với tranh chấp giải quyết tại trung tâm trọng tài) hoặc bị đơn và Hội đồng trọng tài (trường hợp giải quyết bằng trọng tài vụ việc).

Bản tự bảo vệ của phải đáp ứng các thông tin được quy định tại Khoản 1 Điều 35 LTTTM năm 2010. Một trong các nội dung quan trọng trong bản tự bảo vệ của bị đơn là trong trường hợp bị đơn cho rằng không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ trong bản tự bảo vệ. Bị đơn phải nêu tên và địa chỉ của người mà mình chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên trong bản tự bảo vệ.

1.3. Thành lập hội đồng trọng tài

Việc thành lập Hội đồng trọng tài được thực hiện như sau:

Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài quy chế: Trong thời hạn luật định, mỗi bên trong tranh chấp sẽ chọn một trọng tài viên. Nếu hết hạn luật định mà bị đơn/ các bị đơn không chọn được trọng tài viên cho mình thì chủ tịch trung tâm trọng tài sẽ chỉ định trọng tài viên cho bị đơn/ các bị đơn. Hai trọng tài viên được chọn/ được Chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ định đó sẽ bầu ra một trọng tài viên thứ ba làm chủ tịch hội đồng trọng tài. Nếu hết thời hạn luật định mà việc bầu chủ tịch hội đồng trọng tài không thực hiện được thì Chủ tịch hội đồng trọng tài sẽ do Chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ định trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn trên.

Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài vụ việc: Trọng tài do nguyên đơn lựa chọn được xác định ngay trong đơn khởi kiện gửi cho bị đơn. Trọng tài do bị đơn/ các bị đơn lựa chọn được thống nhất xác định và thông báo trong bản tự bảo vệ gửi cho nguyên đơn và trọng tài viên do nguyên đơn chọn. Hết thời hạn luật định mà bị đơn thông báo/ các bị đơn không thống nhất được thì một hoặc các bên có quyền yêu cầu Tòa án chỉ định trọng tài viên cho bị đơn/ các bị đơn. Hai trọng tài viên được xác định sẽ bầu ra một trọng tài viên thứ ba làm chủ tịch hội đồng trọng tài. Trường hợp không bầu được chủ tịch hội đồng trọng tài và các bên không có thỏa thuận khác thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định chủ tịch hội đồng trọng tài.

1.4. Chuẩn bị giải quyết vụ việc

Sau khi hội đồng trọng tài được thành lập, tranh chấp giữa các bên sẽ chính thức được chuẩn bị giải quyết. Trong quá trình này, Hội đồng trọng tài/trọng tài viên được lựa chọn sẽ thực hiện các công việc: Nghiên cứu hồ sơ, xác minh sự việc, thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Đối với một vụ việc tranh chấp, ngay khi tố tụng trọng tài được bắt đầu bằng việc nguyên đơn gửi đơn khởi kiện đến Trung tâm trọng tài có thẩm quyền giải quyết, nguyên đơn đã phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Trong quá trình tố tụng, các bên tiếp tục thực hiện hoạt động cung cấp tài liệu, chứng cứ để Hội đồng trọng tài xem xét và đưa ra các phán quyết phù hợp với tình tiết khách quan của vụ việc.

Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ được các bên cung cấp cũng như được thu thập bởi chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại, Hội động trọng tài/Trọng tài viên sẽ nghiên cứu hồ sơ, thực hiện các hoạt động tố tụng cần thiết nhằm giải quyết vụ việc tranh chấp giữa các bên.

1.5. Hòa giải

Trong tố tụng trọng tài, hòa giải không phải là thủ tục tố tụng bắt buộc. Tuy nhiên, theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài sẽ tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Nếu các bên thỏa thuận được thì đây được xem là một trong những giải pháp tốt nhất cho việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài. Hội đồng trọng tài sẽ lập biên bản về việc hòa giải thành có chữ kí của các bên và xác nhận của trọng tài viên. Trên cơ sở của biên bản hòa giải thành, Hội đồng trọng tài sẽ ra quyết định công sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này có tính chung thẩm và giá trị thi hành như phán quyết trọng tài.

1.6. Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp và ra phán quyết trọng tài

Thời gian tiến hành, địa điểm giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài không có quy định khác thì chủ tịch hội đồng trọng tài quyết định thời gian, địa điểm mở phiên họp giải quyết tranh chấp. Giấy triệu tập tham gia phiên họp phải được gửi các bên đương sự chậm nhất là 30 ngày trước ngày mở phiên họp.

Các bên có thể trực tiếp hoặc cử đại diện của mình tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp/yêu cầu Hội đồng trọng tài căn cứ vào hồ sơ để tiến hành phiên họp mà không cần sự tham gia của các bên. Người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên cũng được tham dự phiên họp nếu được các bên đương sự mời. Trường hợp có lý do chính đáng, các bên đương sự được quyền yêu cầu hội đồng trọng tài hoãn phiên họp. Trường hợp nguyên đơn vắng mặt không có lý do chính đáng mà đã được gửi giấy triệu tập hợp hợp lệ hoặc rời khỏi phiên họp mà không được sự đồng ý của hội đồng trọng tài thì coi như nguyên đơn rút đơn kiện. Trường hợp bị đơn vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc đã được gửi giấy triệu tập hợp lệ hoặc rời phiên họp mà không được hội đồng trọng tài chấp thuận thì phiên họp vẫn được tiến hành trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ hiện có.

Trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp do quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm trọng tài quy định (trường hợp giải quyết bằng trọng tài quy chế) hoặc do các bên thỏa thuận (trường hợp giải quyết bằng trọng tài vụ việc).

Tại phiên họp của Hội đồng trọng tài, các bên trình bày ý kiến của mình về vụ việc tranh chấp. Hội đồng trọng tài sẽ làm rõ vấn đề trên cơ sở ý kiến của các bên, tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ cũng như ý kiến của người làm chứng. Đối với các vụ việc phức tạp, hội đồng trọng tài có thể tổ chức trao đổi trước phiên họp. Nội dung của cuộc trao đổi này gồm các nội dung như: thời gian tham gia của hội đồng trọng tài, phân chia thời gian giữa các bên, thứ tự trình bày, thời lượng và cách thức trình bày, phạm vi và thời lượng của thẩm vấn chéo trực tiếp, tóm tắt sau phiên họp, biên bản và chuẩn bị các tài liệu cho phiên họp. Các nội dung này do các bên thống nhất, trường hợp các bên không thống nhất được thì do hội đồng trọng tài quyết định9.

Kết thúc quá trình giải quyết tranh chấp, hội đồng trọng tài phải đưa ra phán quyết trọng tài. Phán quyết trọng tài được biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Nếu vụ tranh chấp do trọng tài viên duy nhất giải quyết thì phán quyết trọng tài viên do trọng tài viên quyết định. Phán quyết của trọng tài phải đảm bảo về nội dung và hình thức theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 LTTTM năm 2010.

Ngoài ra trong quá trình giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài hoặc Chủ tịch Trung tâm trọng tài còn có thể ra các quyết định về việc đình chỉ giải quyết tranh chấp khi vụ việc tranh chấp có các căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 LTTTM năm 2010.

Thực tế cho thấy hoạt động của trọng tài thương mại trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp vào việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong cộng đồng các doanh nghiệp và góp phần giảm tải khối lượng vụ việc cần giải quyết cho ngành Tòa án. Các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại được đánh giá là năng động, linh hoạt và mềm dẻo hơn so với thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Tuy nhiên trong thực tế thực hiện, còn có một số vướng mắc làm ảnh hưởng tới hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài.

2. Một số vướng mắc trong thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài và kiến nghị

2.1. Người thứ ba tham gia tố tụng trọng tài

Theo quy định của LTTTM năm 2010, các bên tranh chấp gồm: nguyên đơn và bị đơn.

Trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, đa số các vụ tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đều chỉ phát sinh giữa một hoặc nhiều nguyên đơn với một hoặc nhiều bị đơn và không có người thứ ba tham gia tố tụng. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động kinh doanh thương mại cho thấy có không ít trường hợp có nhiều bên cùng tham gia vào mối quan hệ này như trong các hợp đồng giữa chủ đầu tư và liên danh các nhà thầu; giữa chủ hàng, người vận chuyển gây ra thiệt hại và doanh nghiệp bảo hiểm; hay giữa các bên trong giao dịch về bảo lãnh, ký quỹ đều có sự xuất hiện của ba bên. Khi đó, tranh chấp xảy ra sẽ đồng thời liên quan tới cả ba bên và họ đương nhiên cùng mong muốn tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình ngay cả khi không phải là nguyên đơn hay bị đơn trong vụ tranh chấp.

Chúng tôi cho rằng nhu cầu thực tế của các bên trong tranh chấp về việc bổ sung người thứ ba tham gia tố tụng, hoặc chính người thứ ba chủ động đề nghị tham gia tố tụng là hoàn toàn thiết thực và chính đáng. Điều này đòi hỏi pháp luật trọng tài Việt Nam cần có sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy chế pháp lý liên quan tới vấn đề này.

Về vấn đề người thứ ba tham tố tụng một số các quy định của pháp luật có liên quan cũng đã có quy định. Theo Khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự, vấn đề người thứ ba đã được đề cập thông qua quy định về “người có quyền, nghĩa vụ liên quan”. Việc xác định tư cách chủ thể này được thực hiện ngay từ những bước đầu tiên của quá trình tố tụng dân sự trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc rằng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải được tham gia tố tụng dân sự thông qua việc một bên đương sự đề nghị hoặc Tòa án đưa họ tham gia tố tụng.

Do đó, để đáp ứng đòi hỏi thực tế về giải quyết tranh chấp có người thứ ba tham gia tố tụng, LTTTM năm 2010 cần bổ sung các quy định về người thứ ba tham gia tố tụng tương tự như BLTTDS khi quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

2.2. Các hoạt động tố tụng trọng tài trước khi Hội đồng trọng tài được thành lập

Trong quá trình tố tụng trọng tài, Hội đồng trọng tài là chủ thể duy nhất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Các Trung tâm trọng tài chỉ thực hiện chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp và hỗ trợ Trọng tài viên về các thủ tục hành chính, văn phòng cũng như các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài. Khi Hội đồng trọng tài chưa được thành lập, Trung tâm trọng tài sẽ thông qua Ban thư ký của mình để tiến hành các bước tố tụng trọng tài nhằm thành lập Hội đồng Trọng tài. Sau khi được thành lập, Hội đồng trọng tài sẽ tiến hành các bước tố tụng tiếp theo để giải quyết vụ tranh chấp.

Trình tự thủ tục trên dẫn tới kết quả là nếu Ban thư ký tiến hành thủ tục tố tụng một cách đúng đắn, điều này sẽ dẫn tới việc thành lập Hội đồng trọng tài hợp pháp cũng như bảo đảm tố tụng đúng pháp luật và ngược lại, nếu có bất kỳ sai sót gì trong việc tiến hành tố tụng sẽ dẫn tới vi phạm thủ tục tố tụng trọng tài và phán quyết có thể bị hủy bởi Tòa án sau này. Thực tiễn giải quyết tranh chấp cho thấy có nhiều trường hợp việc xác định các bước tố tụng trọng tài ban đầu đã vượt quá khả năng cũng như thẩm quyền của Ban thư ký và dẫn tới rủi ro sai sót tố tụng trọng tài sau này.

Ví dụ: Nguyên đơn là pháp nhân Hàn Quốc và bị đơn là pháp nhân Nhật Bản. Các bên giao kết hợp đồng chọn một trung tâm trọng tài của Việt Nam giải quyết tranh chấp nhưng không xác định ngôn ngữ trọng tài. Trong quá trình tố tụng, Phó giám đốc của nguyên đơn ký đơn khởi kiện và chọn Trọng tài viên A giải quyết tranh chấp. Trong bản tự bảo vệ của mình, người đại diện của bị đơn chọn Trọng tài viên B giải quyết tranh chấp nhưng chữ ký trên bản tự bảo vệ có dấu hiệu giả mạo, cắt ghép. Vào thời điểm này, Hội đồng trọng tài chưa được thành lập nên Ban thư ký của Trung tâm này phải xác định các vấn đề tố tụng đối với mỗi bước tố tụng để tiến hành các bước tiếp theo gồm:

Một là, nhận diện ngôn ngữ phù hợp để soạn thảo văn bản thông báo vụ tranh chấp tới bị đơn sao cho phù hợp nhất.

Hai là, phải xác định được người ký đơn khởi kiện và chọn Trọng tài viên có hợp pháp không để gửi thư mời Trọng tài viên A.

Ba là, xác định chữ ký của người được cho là người đại diện của bị đơn trên bản tự bảo vệ có xác thực hay không trước khi gửi thư mời Trọng tài viên B.

Điều này dẫn đến một số các khó khăn sau:

Một là, về vấn đề ngôn ngữ, căn cứ theo quy định tại Điều 10 LTTTM năm 2010 về ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài khi các bên không có thỏa thuận về ngôn ngữ sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng trọng tài. Tuy nhiên khi phát hành văn thư thông báo tới bị đơn cũng như các văn bản khác đều phải xác định rõ ngôn ngữ sử dụng, điều này vượt quá khả năng của Ban thư ký.

Hai là, Ban thư ký không có đủ khả năng xác định về: (i) Người lựa chọn Trọng tài viên có đủ thẩm quyền hay không; (ii) Chữ ký trong bản tự bảo vệ và lựa chọn Trọng tài viên của bên bị đơn có dấu hiệu cắt ghép hay không; (iii) Không có cơ sở pháp lý để từ chối thẩm quyền của người đại diện nguyên đơn và bị đơn trong việc chọn Trọng tài viên. Điều này dẫn tới hậu quả là nếu người ký đơn lựa chọn Trọng tài viên không đủ thẩm quyền thì tố tụng trọng tài sẽ không thể tiếp tục khi Hội đồng Trọng tài đã được thành lập bất hợp pháp.

Do đó khi Ban thư ký phải tiến hành các bước tố tụng trọng tài trước khi Hội đồng Trọng tài được thành lập trong khi không được trao đầy đủ thẩm quyền để thực hiện công việc này sẽ khiến cho các thủ tục giải quyết tại trọng tài ngay từ những hoạt động đầu tiên gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Điều này đòi hỏi pháp luật trọng tài Việt Nam cần có sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy chế pháp lý liên quan tới vấn đề này.

Với việc thông qua Ban thư ký của mình, không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nên không thể xác định một số vấn đề tố tụng trong thực tiễn hoạt động, chúng tôi cho rằng trong giai đoạn sau khi tố tụng trọng tài bắt đầu mà chưa thành lập Hội đồng trọng tài, cần phải phân công một Trọng tài viên có kinh nghiệm, năng lực để có thể đưa ra những quyết định phù hợp trước khi Hội đồng trọng tài được thành lập. Khi đó, Trung tâm trọng tài sẽ chỉ thực hiện chức năng của mình là tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp cũng như hỗ trợ Trọng tài viên về các vấn đề hành chính, kỹ thuật. Sau khi Hội đồng trọng tài được thành lập, các vấn đề tố tụng cũng như việc giải quyết tranh chấp nói chung sẽ do Hội đồng trọng tài quyết định.

2.3. Thủ tục tố tụng trọng tài trong trường hợp thời hiệu khởi kiện đã hết

Về vấn đề thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 33 LTTTM năm 2010, theo đó: “Trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại trọng tài cho thấy có không ít vụ tranh chấp theo đó nguyên đơn khởi kiện khi thời hiệu khởi kiện đã hết. Như vậy, khi thời hiệu khởi kiện đã hết thì Hội đồng trọng tài sẽ áp dụng thủ tục nào? LTTTM năm 2010 không nêu rõ trình tự thủ tục tố tụng nào sẽ được áp dụng những trường hợp này và tại các trung tâm trọng tài, Hội đồng Trọng tài thường chọn một trong hai cách giải quyết:

Một là, ra phán quyết trọng tài và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với lý do thời hiệu khởi kiện đã hết; hoặc

Hai là, ra phán quyết trọng tài và quyết định không tiếp tục giải quyết các nội dung và yêu cầu khởi kiện do thời hiệu khởi kiện đã hết.

Do đó khi LTTTM năm 2010 chưa có những quy định cụ thể thì việc áp dụng cách thức nào để giải quyết các đơn khởi kiện khi vụ việc hết thời hiệu khởi kiện thì các trung tâm trọng tài khác nhau sẽ có cách thức giải quyết khác nhau, pháp luật hiện hành cần phải sửa đổi để quyết định của Hội đồng trọng tài có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Đối với vướng mắc về việc xác định thủ tục tố tụng khi thời hiệu khởi kiện đã hết, chúng tôi cho rằng cần tham khảo Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự để bổ sung thêm quy định về đình chỉ việc giải quyết tranh chấp.

2.4. Quy định thời điểm cuối cùng các bên được nộp hồ sơ, tài liệu

Tài liệu chứng cứ mà các bên cung cấp trong quá trình tố tụng trọng tài có vai trò rất quan trọng, giúp cho Hội đồng trọng tài có thể đánh giá và ra các phán quyết phù hợp. Tuy nhiên, thời hạn mà các bên được quyền cung cấp chứng cứ hiện nay chưa được quy định cụ thể. Do đó các bên có thể cung cấp các tài liệu, chứng cứ ngay bắt đầu từ thời điểm khởi kiện trọng tài và có thể kết thúc trước khi Hội đồng trọng tài ra phán quyết tại Phiên họp giải quyết tranh chấp hoặc chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng12.

Thực tế giải quyết tranh chấp tại các trung tâm trọng tài, có những trường hợp các bên chờ đến ngày tổ chức phiên họp mới nộp tài liệu bổ sung. Việc vận dụng quy định trên khiến cho Hội đồng Trọng tài và rất nhiều Phiên họp giải quyết tranh chấp đã bị hoãn lại với lí do một bên nộp tài liệu, chứng cứ mới mang tính bước ngoặt, thay đổi toàn bộ nội dung giải quyết tranh chấp ngay tại phiên họp. Đây là một khó khăn, vướng mắc không nhỏ mà Hội đồng trọng tài thường xuyên gặp phải trong quá trình giải quyết tranh chấp và cần phải được quy định cụ thể để đảm bảo cho hiệu quả hoạt động của Hội đồng trọng tài cũng như đảm bảo tính ưu việt về thời gian xét xử của tố tụng trọng tài.

Để chấm dứt tình trạng các bên cố ý nộp tài liệu ngay tại phiên giải quyết tranh chấp và làm tăng tính hiệu quả, công bằng trong giải quyết tranh chấp, chúng tôi đề xuất ấn định một thời hạn cụ thể để các bên xuất trình tài liệu. Quy định như trên sẽ hạn chế tình trạng các bên xuất trình tài liệu, chứng cứ tại phiên họp sẽ không còn và giúp cho việc giải quyết tranh chấp được đảm bảo tính nhanh chóng, công bằng, hiệu quả./.