EnglishVietnamese
Trang chủ / Nghiên cứu - Xây dựng pháp luật / Cung Cấp Thông Tin / Ba người đàn ông được minh oan sau gần 40 năm

Ba người đàn ông được minh oan sau gần 40 năm

– Sáng 9/10, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đọc lời xin lỗi công khai với ba người bị oan trong vụ oan sai giết người cách đây gần 40 năm

Ông Khổng Văn Đệ được minh oan ở tuổi 95

Trong buổi lễ xin lỗi công khai , do sức yếu ở tuổi 95, ông Khổng Văn Đệ được con dìu bước ra khỏi hội trường, ông nói chấp nhận lời xin lỗi và ghi nhận sự cầu thị của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc trong giải quyết oan sai. Ông mong thời gian tới VKS sẽ sớm khôi phục danh dự cho ông bằng cách đăng báo xin lỗi và cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc bồi thường cần sớm được giải quyết để ông “được sống thanh thản nốt quãng đời còn lại”.

Ông Khổng Văn Đệ, 95 tuổi, người được minh oan

Theo hồ sơ vụ án, ngày 28/1/1980, tại thôn Vạn Thắng xảy ra vụ giết ông Chu Văn Quản (bí thư chi bộ thôn). Sau hơn hai tháng điều tra, ngày 3/3/1980, ông Trinh, ông Thám bị khởi tố, bắt. Hai tháng sau đó ông Thám chết trong trại giam. Tháng 4/1980, ông Đệ và Nguyễn Đình Ký bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc giết người.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) xác định chỉ có một mình Ký gây án. Ngày 15/6/1983, Ký bị TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên phạt tù chung thân.

Sau 833 ngày bị bắt, ngày 13/8/1982, ông Đệ, ông Trinh được trả tự do khi hung thủ thực sự bị phát hiện Nhiều năm sau đó, ông vừa đi kêu oan khắp nơi.

Ông Trần Ngọc Trinh, 78 tuổi nhớ lại hành trình kêu oan

Gần 40 năm trước, ông Trần Ngọc Trinh (SN 1941, trú tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) nay là tỉnh Vĩnh Phúc) với em trai mình là ông Trần Chung Thám và ông Khổng Văn Đệ (xã Đồng Thịnh, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đang sống yên bình nơi làng quê bỗng tan nát bởi bị nghi liên quan đến “vụ giết người trong thôn”.

Theo ông Trinh, buổi sáng 13/3/1980 ông nhận được tờ giấy do cán bộ xã đưa với nội dung mời đi dự họp ở UBND tỉnh Vĩnh Phú. Ông kể, sau khi sửa soạn tư trang cá nhân, tiền mặt và một cuốn sách thì vội đạp xe đến. Vừa tới nơi, ông bị cán bộ Công an tỉnh đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi giết người.

Ông Trần Ngọc Trinh 78 tuổi, người được minh oan

Ông Trinh cùng với ông Khổng Văn Đê được thả tự do sau bao năm ngục tối. Không may mắn như hai ông, ông Thám, em trai ông Trinh đã chết trong trại giam.

39 năm qua các con, các cháu của các bị hại hiểu được nỗi oan khuất của, cha, chú mình nên đã   đi khiếu nại từ địa phương đến Trung ương.Trong suốt nhiều năm kêu oan, người mà ngày đêm miệt mài, cần mẫn không quản nắng mưa, đi cậy nhờ các cơ quan chức năng nhiều là anh Trần Văn Mạnh (SN 1975, là con trai của ông Trần Chung Thám).

Nhớ lại ngày tháng đó, anh Mạnh cho biết, khi lớn lên thấy được nỗi hàm oan của bố mình, cùng với bác Trinh tôi đã tìm đủ mọi cách để có thể tìm lại công lý cho gia đình.

Anh Khổng Văn Hậu (con trai ông Đệ) cho biết án oan của ông Đệ còn là “án tử” cho cả gia đình. Khi ông Đệ bị bắt, cả gia đình phải sống trong tiếng xấu là “người thân của kẻ giết người”, chịu sự ghẻ lạnh, khinh thường. Từ gia đình khá giả, gia đình lâm vào kiệt quệ khi mất đi lao động trụ cột. Toàn bộ tài sản phải đem bán để lo cho cuộc sống và tiếp tế cho ông Đệ trong trại giam.

Hành trình khiếu nại kéo dài 39 năm, cùng với sự giúp đỡ của Luật sư, Báo chí và các cơ quan chức năng đến ngày hôm nay, khi đã 95 tuổi, ông Đệ và hai người bị hại khác đã được minh oan.

Anh Hậu cho rằng quyết định sai lầm của nhà chức trách 39 năm trước đã khiến ba thế hệ trong gia đình phải gánh chịu những hậu quả và thiệt hại không thể bù đắp. “Nhưng cuối cùng bố cũng toại nguyện khi được nhà nước công nhận là một công dân bình thường trước khi nhắm mắt xuôi tay”, anh nói.

Anh đề nghị sau buổi xin lỗi hôm nay, nhà chức trách cần có kế hoạch cụ thể bằng văn bản về việc bồi thường cho gia đình. VKSND tỉnh Vĩnh Phúc phải xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức gây oan sai.

Ông Trinh vừa là người bị oan vừa là người đại diện cho ông Thám cũng mong VKSND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ sớm giải quyết bồi thường để gia đình ổn định cuộc sống.

Phó viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc Ngô Khương Tuyến thừa nhận trong vụ án này cơ quan tố tụng đã có những “sai sót dẫn đến hậu quả không ai mong muốn”. VKS mong gia đình ba người bị bắt oan chấp nhận lời xin lỗi và “thông cảm cho các cơ quan công tố thời bấy giờ”. VKS sẽ tiến hành sớm các bước bồi thường cho ba người bị oan sai trong thời gian tới theo đúng Luật Bồi thường nhà nước.

Lucky’s Nguyễn

Theo tạp chí tòa án