EnglishVietnamese
Trang chủ / Tin Tức / Bài 3 Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo

Bài 3 Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo

SLRI – Trở lại Bù Đăng dịp này, chúng tôi tham dự Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” (diễn ra trong 3 ngày, từ 8 đến 10-11- 2024) và đắm mình vào vũ điệu cuồng say của tiếng chày tay, chiêng cồng náo nhiệt trong đêm hội Bom Bo bên ánh lửa bập bùng, giữa không gian đậm đặc của núi rừng. Lễ hội thu hút hàng trăm lượt du khách đã góp phần bảo vệ, phát triển các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc S’tiêng tỉnh Bình Phước.

Say sưa cùng vũ điệu Bom Bo

Trong các ngày diễn ra lễ hội, chúng tôi được Ban tổ chức giới thiệu giam dự nhiều hoạt động như hội nghị Khởi nghiệp và kết nối du lịch; triễn lãm người S’tiêng trên sóc Bom Bo, thi cõng nước, đẩy gậy, giã gạo chày tay, ẩm thực Hương vị bên ánh đuốc lồ ô, công bố kỷ lục ghiness bộ Đàn đá nặng nhất nước, bộ cồng chiêng lớn nhất cả nước.

Một trong những hoạt động gây ấn tượng đối với du khách là Lễ hội Kết bạn cộng đồng của đồng bào dân tộc S’tiêng. Các già làng cùng thực hiện nghi lễ truyền thống dưới cây nêu, lễ vật được dân làng chuẩn bị từ trước để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cộng đồng hóa giải mọi mâu thuẫn, đoàn kết chống lại thiên tai. Ông Điểu Khang, người có uy tín trong đồng bào (xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng) cho biết, kết bạn cộng đồng là lễ hội truyền thống của đồng bào S’tiêng nhưng đang dần mai một, nhiều con em đồng bào không biết hoặc chỉ nghe nói. Ông vui mừng khi chính quyền địa phương phục dựng Lễ hội Kết bạn cộng đồng nhằm “đánh thức” các giá trị văn hóa đặc sắc cộng đồng và kỳ vọng sẽ lan tỏa được tinh thần gìn giữ và bảo tồn văn hóa đặc trưng trong đồng bào.

Chúng tôi cũng say sưa theo vũ điệu đêm rừng trong Lễ hội Vang mãi Tiếng chày trê sóc Bom Bo, diễn ra tại tại Khu bảo tồn văn hoá dân tộc S’tiêng sóc Bom. Điều đặc biệt, đêm hội được truyền hình trực tiếp trên sóng BPTV1 của Đài phát thanh truyền hình và báo Bình Phước có nhiều lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Phước về dự. Đêm hội có nhiều tiết mục văn nghệ kết hợp hoạt cảnh đặc sắc với các chủ đề “Sóc Bom Bo mảnh đất anh hùng”; “Sóc Bom Bo trong công cuộc đổi mới” với sự biểu diễn của NSƯT Vũ Thắng Lợi, ca sĩ Thanh Tài, A Páo, Đào Ngọc Sang, Hiên Xê Đăng, Vũ Đoàn Gió Việt… cùng các nghệ nhân đội nghệ thuật quần chúng, các nghệ nhân cồng chiêng của huyện Bù Đăng. Đêm nghệ thuật đã tái hiện lại không gian đời sống, văn hóa tinh thần, sự kiện lịch sử người đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo.

Du khách trải nghiệm giã gạo chày tay tại Khu bảo tồn văn hoá đồng bào dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Khu bảo tồn văn hoá đồng bào dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo nhìn từ trên cao

Lễ hội kết bạn cộng đồng của người S’tiêng sóc Bom Bo

Hàng trăm lượt khách tham gia Lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo

Trong không khí tưng bừng của đêm hội, ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng không giấu nỗi sự xúc động xen lẫn tự hào, cho biết, sóc Bom Bo không chỉ giàu truyền thống cách mạng mà còn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, có những nét văn hóa độc đáo, khác biệt như nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, lễ kết bạn cộng đồng và nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã và đang làm phong phú thêm kho tàng di sản của Việt Nam. Ông Vũ Văn Mười chia sẻ, 2024 là năm đầu tiên huyện Bù Đăng tổ chức Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”.  Lễ hội được đông đảo người dân, du khách trong và ngoài huyện mong đợi không chỉ bởi không khí vui tươi rộn ràng mang thương hiệu riêng của Bom Bo, Bù Đăng mà còn bởi sự cuốn hút của cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và những nét văn hóa tiêu biểu.

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống

Lễ hội Vang mãi Tiếng chày trên sóc Bom Bo đã bất ngờ thu hút hơn 100.000 lượt khách tham dự, một con số kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, chị Thị Xuân (thôn 2, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng) di chuyển quãng đường hơn 30km về tham dự phần thi giã gạo nuôi quân, tâm sự:  “Tham gia lễ hội hôm nay, tôi được sống lại thời kỳ gian khổ của thế hệ cha ông mình từng sống và chiến đấu chống lại giặc ngoại xâm. Là thế hệ sinh ra trong thời bình, tôi nguyện kế thừa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của cha ông xưa để lại”.

Còn anh Điểu Khê, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bù Đăng chia sẻ: Bù Đăng hiện có 31 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có người S’tiêng, M’nông, Mạ là những dân tộc đã sinh sống lâu đời ở vùng đất này. Các cộng đồng dân tộc đã tạo dựng nền văn hóa phong phú. Ngày nay, đời sống kinh tế – xã hội phát triển với nhiều thay đổi đã ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc ở Bù Đăng. Lễ hội được phục dựng trên cơ sở các yếu tố truyền thống và Ban tổ chức cùng đại diện đồng bào đã thống nhất, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung để phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội hiện nay.

Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo không chỉ là cơ hội để mọi người gặp gỡ, giao lưu và cùng nhau thăng hoa trong không gian văn hóa đặc sắc,  còn là dịp để chúng ta cùng nhau cam kết bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá, lịch sử của vùng đất này. UBND tỉnh Bình Phước sẽ nỗ lực hết mình để cùng cộng đồng bảo vệ, phát triển các giá trị văn hoá nói chung và Lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo trên địa bàn huyện Bù Đăng nói riêng.

Bà Trần Tuyết Minh nhấn mạnh, lễ hội góp phần “xây dựng, phát triển hệ giá trị văn hóa, con người Bình Phước, xây dựng nền văn hóa, con người Bình Phước phát triển toàn diện, bảo tồn tính đa dạng trong thống nhất của văn hóa các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống, thuần phong, mỹ tục trong nhân dân, chủ động, linh hoạt tiếp thu những yếu tố khoa học, tiến bộ, tinh hoa văn hóa nhân loại” nhằm giúp thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ, thừa kế và phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Sau 50 năm sau ngày giải phóng, từ một vùng đất gian khó, Bù Đăng đang chuyển mình mạnh mẽ, từng bước xây dựng vùng đất Bom Bo ngày càng văn minh, giàu đẹp. Vùng đất cách mạng năm xưa cũng là cộng đồng chan hòa, mến khách luôn mở rộng vòng tay chào đón, yêu thương, cho ai đi xa cũng nhớ “về đường này, thăm sóc Bom Bo”.

PHẠM XUÂN CHUNG