EnglishVietnamese
Trang chủ / Tin Tức / Bài 2 Ngày mới ở Bù Đăng

Bài 2 Ngày mới ở Bù Đăng

SLRI – Sau 50 năm giải phóng, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Bù Đăng luôn đoàn kết nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.  Và cùng với khát vọng vươn lên, Bù Đăng quyết tâm xây dựng vùng đất lửa Bom Bo ngày càng giàu đẹp, văn minh để xứng đáng với truyền thống oai hùng trong quá khứ.

Dấu ấn nông thôn mới

Từ UBND xã Bình Minh, chúng tôi chạy xe gắn máy chừng hơn 20km đến xã Đắk Nhau. Đây là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bù Đăng và cũng là nơi đặt căn cứ Nửa Lon thời kháng chiến chống Mỹ, gắn với sự ra đời của bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo của cố Nhạc sĩ Xuân Hồng. Hai bên đường là những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát bên những nương rẫy cao su, cà phê xanh tốt. Không còn những vết tích bom đạn, chiến trường ác liệt năm nào, giờ đây, Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương đang chung tay xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế- xã hội.

Sau lời chào hỏi thân tình, chúng tôi được lãnh đạo xã cung cấp nhiều thông tin hữu ích. Trước đây, các tuyến đường trong xã chưa được đầu tư  do nguồn vốn hạn hẹp,  trời nắng thì bụi đất đỏ ba zan mù mịt, mưa xuống thì lầy lội, khó đi. Nhưng  đến nay, hệ thống giao thông được đầu tư khá đồng bộ với hơn 100km đường giao thông, trong đó 56km đường nội đồng liên thôn, liên đội được cứng hóa đạt hơn 90%, giúp người dân đi lại thuận tiện. Ông Điểu B’Rang (người dân thôn Đăng Lang, xã Đắk Nhau) cho biết, so với những năm trước, hệ thống đường giao thông nay đã khang trang, sạch đẹp. Đó là nhờ sự đầu tư, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa của Đảng và Nhà nước.

Cầu 38- là ranh giới của xã Minh Hưng và Đức Liễu, huyện Bù Đăng là một trong những điểm nhấn về giao thông kết nối, giúp việc giao thương, đi lại thuận tiện

Thị trấn Đức Phong- Trung tâm huyện Bù Đăng nhìn từ trên cao

Phục dựng lễ hội cúng lúa mới tại Khu bảo tồn văn hoá dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Trở ra xã Đức Liễu, chúng tôi được đi trên con đường thảm nhựa phẳng phiu nối với trung tâm thị trấn Đức Phong – nơi có quốc lộ 14 ngang qua, tạo thuận lợi cho giao thương, buôn bán. Anh Trần Văn Vĩnh, Chủ tịch UBNDxã Đức Liễu cho biết, địa phương được chọn đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022 và đã hoàn thành 20/20 tiêu chí, 165km đường giao thông nông thôn phần lớn được cứng hóa, đảm bảo đi lại thuận tiện, có 4/6 trường học đạt chuẩn cơ sở vật chất mức 1 và 10/10 thôn có nhà văn hóa được xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa đúng quy chuẩn. Địa phương xác định, xây dựng nông thôn mới nâng cao là tiền đề để phấn đấu trở thành đô thị loại V trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Huy Long, Trưởng Phòng NN- PTNT huyện Bù Đăng, sau hơn 13 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện có 12/15 xã đạt chuẩn cơ bản, 3 xã đạt chuẩn nâng cao. Huyện phấn đấu đưa 3 xã còn lại về đích nông thôn mới nhưng đang gặp khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng do vướng quy hoạch khoáng sản bô-xít. Chính quyền địa phương đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Phước tìm giải pháp tháo gỡ để đầu tư xây dựng các công trình dân sinh, phấn đấu đến cuối năm 2025 có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, từng bước hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí đưa huyện về đích nông thôn mới.

Sức bật từ cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành

Rời Phòng NN- PTNT huyện Bù Đăng, chúng tôi tìm gặp anh Vũ Đức Hoàng, Trưởng Phòng VH- TT huyện và được anh cho biết, những năm đầu sau khi tái lập, huyện gặp rất nhiều khó khăn, bình quân mỗi năm thu ngân sách chỉ hơn 1 tỷ đồng, nhưng đến giai đoạn 2005-2010, thu ngân sách bình quân hằng năm đạt khoảng 80 tỷ đồng/năm. Từ năm 2021-2024, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân đạt 12,5%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khi thương mại – dịch vụ chiếm tới 33,6% và công nghiệp – xây dựng – giao thông đạt 24,6%, giúp Bù Đăng chủ động trong đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo đà phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Theo sự chỉ đường của anh Vũ Đức Hoàng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Bù Đăng, chúng tôi có dịp dạo một vòng để tham quan Trảng cỏ Bù Lạch, Thác Voi, Thác Đứng, thác Bù Xa, Pan Toong cùng nhiều thắng cảnh khác. Chúng tôi dừng lại dưới chân Thác Đứng nối liền hai triền đồi thuộc xã Minh Hưng và Đoàn Kết, cách trung tâm huyện Bù Đăng 4km. Theo quan sát, thác có nhiều hòn đá cao chất chồng lên nhau theo phương thẳng đứng, vào mùa mưa, với những dòng nước chảy mạnh do lưu lượng nước đổ về nhiều.

Anh Nguyễn Tân Tiến (du khách đến từ TPHCM) lần đầu tiên đến Thác Đứng, bày tỏ: “Ngọn thác như một con sóng cuộn trào theo chiều thẳng đứng, nước đổ ngược vào mặt hồ, xô mạnh vào đá, tung ra những bọt nước trắng xóa. Khung cảnh nơi đây trông thật lộng lẫy và dễ khiến lòng người nô nức”. Do có tiềm năng du lịch dồi dào nên huyện Bù Đăng đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây các khu, điểm du lịch gắn với phong tục, truyền thống của người S’tiêng, M’nông, hướng tới đón 20.000 lượt khách tham quan vào năm 2025.

Điều đáng mừng là, huyện đã hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp, tiến hành giải tỏa, giải phóng mặt bằng và bàn giao cho Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng làm chủ đầu tư tại Cụm công nghiệp Minh Hưng 1 và Minh Hưng 2. Huyện tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng, làm mới một số tuyến đường chính trong huyện và thị trấn Đức Phong. Riêng dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) dài 128,8km (đoạn qua huyện Bù Đăng hơn 48km), huyện đang phối hợp với các sở ngành của tỉnh rà soát, hoàn thiện các hồ sơ về giải phóng mặt bằng, xác định số lượng người dân bị ảnh hưởng để lên phương án bố trí tái định cư.

Đồng thời xác định hướng tuyến phù hợp, các khu vực xây dựng cầu vượt hầm chui để thuận tiện trong việc đi lại của người dân. Dự án sẽ giúp kết nối các tuyến du lịch sinh thái rừng, khám phá, trải nghiệm văn hóa người S’tiêng, M’nông. Có thể bắt đầu từ Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đến trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng, cầu 38 để trải nghiệm khinh khí cầu, góp phần thu hút khách tham quan, nghỉ dưỡng.

Chiều dần buông xuống trên những ngọn đồi, cánh rừng Nam Tây Nguyên, chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng và được thông tin: Địa phương có diện tích đất rộng lớn, màu mỡ thích hợp trồng các loại cây ăn trái, hệ thống rừng nguyên sinh và danh lam thắng cảnh phong phú. Để phát huy tiềm năng, huyện chú trọng bảo tồn và khai thác các tài nguyên sẵn có, chủ động kêu gọi đầu tư, xã hội hóa vào các công trình du lịch, quy hoạch cụm công nghiệp mới để tận dụng lợi thế của tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành khi hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của Bù Đăng.

PHẠM XUÂN CHUNG