EnglishVietnamese
Trang chủ / Hội đồng khoa học / Hội đồng luật doanh nghiệp / Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật nhằm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” – Nhiều ý kiến góp ý chất lượng cho Dự thảo Luật đầu tư 2020

Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật nhằm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” – Nhiều ý kiến góp ý chất lượng cho Dự thảo Luật đầu tư 2020

NCPL – Ngày 22/5, tại Đại học Cần Thơ, nhóm nghiên cứu thuộc Bộ môn Luật thương mại của Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật nhằm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu và giảng dạy, các luật sư, các nhà quản lý doanh nghiệp, quản lý nhà nước, các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên luật tham luận, trao đổi nhằm góp ý hoàn thiện các nội dung Dự thảo Luật đầu tư 2020.

Toàn cảnh buổi hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã cơ bản đồng tình các nội dung của Dự thảo luật đầu tư mà  cơ quan chức năng soạn thảo, hầu hết các ý kiến cho rằng Luật đầu tư 2014 đang được hoàn thiện bằng Dự thảo Luật đầu tư 2020 được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với chủ trương của một nền kinh tế mở, với xu thế của tình hình mới, đem lại nhiều lợi ích về cả kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra Dự thảo Luật đầu tư năm 2020 này vẫn còn tồn tại  nhiều điều khoản quy định chưa còn phù hợp, thiếu chặt chẽ;  mối quan hệ  giữa Luật đầu tư  với các Luật có liên quan và điều ước quốc tế. …làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút đầu tư.

TS. Cao Nhất Linh đến từ Khoa Luật – Đại học Cần Thơ đã nêu ra một số bất cập trong Luật đầu tư năm 2014 mà Dự thảo Luật đầu tư năm vẫn chưa khắc phục.

TS. Cao Nhất Linh (ngồi giữa) đến từ Khoa Luật – Đại học Cần Thơ chủ trì hội thảo

– Luật không cho nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tư nhân: Theo Khoản 17 Điều 3 của Luật đầu tư năm 2014 (khoản 20 Điều 3 của Dự thảo Luật đầu tư năm 2020) thì “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”.

Theo TS. Linh cần sửa đổi thành: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài thành lập hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp”. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài làm chủ doanh nghiệp tư nhân.

– Luật bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án và làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức kinh tế tại Việt NamTại khoản 1, Điều 22 của Luật đầu tư năm 2014 thì “Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này…”. Dự thảo Luật đầu tư năm 2020 có bổ sung hai trường hợp ngoại lệ không cần phải có dự án và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đó là: “trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

TS. Linh kiến nghị sửa đổi: Bỏ quy định điều kiện có dự án và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho tất cả các trường hợp (giao về cho cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra, chấp thuận cho thành lập, tham gia thành lập khi nhà đầu tư đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định).

– Luật không cho nhà đầu tư nước ngoài mua phần vốn góp của thành viên hợp danh trong công ty hợp danh: Nhà đầu tư nước ngoài “mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh” (khoản 2 Điều 25 của Luật đầu tư năm 2014).

Kiến nghị sửa thành: “Mua phần vốn góp của thành viên trong công ty hợp danh để trở thành thành viên của công ty hợp danh theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan”.

– Luật chưa có quy định đảm bảo đầu tư đối với ngành nghề mà nhà đầu tư đang kinh doanh, nhưng bị tăng điều kiện kinh doanh hoặc bị cấm kinh doanh (Thay đổi pháp luật dẫn đến nhà đầu tư bị tăng điều kiện tiếp cận thị trường hoặc chưa được tiếp cận thị trường): Tại khoản 2 Điều 13 của Luật đầu tư năm 2014 (Khoản 2 Điều 14 của Dự thảo Luật đầu tư năm 2020): “trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án”.

Kiến nghị sửa“Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định điều kiện tiếp cận thị trường thấp hơn điều kiện tiếp cận thị trường mà nhà đầu tư được áp dụng trước đó thì nhà đầu tư được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian còn lại của dự án. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định điều kiện tiếp cận thị trường cao hơn điều kiện tiếp cận thị trường mà nhà đầu tư được áp dụng trước đó hoặc quy định nhà đầu tư chưa được tiếp cận thị trường thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng các quy định trước đó cho thời gian còn lại của dự án”.

– Luật quy định về đảm bảo đầu tư trong các hình thức giải quyết tranh chấp chưa phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: Điều 14 Luật đầu tư năm 2014 (Điều 15 dự thảo Luật đầu tư năm 2020): Tranh chấp có nhà đầu tư nước ngoài không được giải quyết tại toà án nước ngoài.

Kiến nghị sửa đổi: “Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam. Các bên tranh chấp có quyền thỏa thuận chọn cơ quan, tổ chức khác để giải quyết tranh chấp, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”.

Luật sư Lê Hoàng Nhí đến từ Công ty luật TNHH 1 thành viên Lê Hoàng – trong bài tham luận: Một số bất cập trong 1ĩnh vực do Bộ tư pháp quản lý và kiến nghị” đã chỉ ra:

Luật sư Lê Hoàng Nhí đến từ Công ty luật TNHH 1 thành viên Lê Hoàng tham luận tại hội thảo

– Cá nhân luật sư nước ngoài không được thành lập tổ chức hành nghề luật sư tại Việt NamĐiều 72 Luật luật sư quy định: “Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài là tổ chức hành nghề luật sư do một hoặc nhiều tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh là tổ chức hành nghề luật sư liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam. Công ty luật hợp danh là tổ chức hành nghề luật sư hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam”.

Kiến nghị sửa đổi: Cho phép các cá nhân luật sư nước ngoài thành lập tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam.

– Luật sư của của tổ chức hành nghề luật nước ngoài bị hạn chế nhiều lĩnh vực hành nghềĐiều 70 Luật luật sư sửa đổi năm 2012: “Chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, không được cử luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam hoặc thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam, được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam.’’

Kiến nghị sửa đổi: Cho phép luật sư Việt Nam trong các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tham gia tố tụng như luật sư Việt Nam trong các tổ chức hành nghề luật sự Việt Nam.

* Bà Phạm Thị Lan Anh, cán bộ Cục thuế Cần Thơ trong bài tham luận: “Một số bất cập trong pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp” cũng đã nêu ra một số bất cập cần sửa đổi.

Bà Phạm Thị Lan Anh, cán bộ Cục thuế Cần Thơ phát biểu tham luận tại hội thảo

– Về thủ tục gửi thông báo phương pháp trích khấu hao đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp DN. Thông tư số 45 và Thông tư số 78 quy định: Doanh nghiệp tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao tài sản cố định và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện. Nhưng quy định này không có ý nghĩa trong thực tế quản lý thuế, mà chỉ làm tăng thủ tục hành chính, sẽ hạn chế việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài do dễ dẫn đến DN đầu tư nước ngoài bị xuất toán khi trích khấu hao.

Bà Lan Anh đề nghị: Bãi bỏ quy định DN phải gửi thông báo phương pháp trích khấu hao đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp DN nhằm giảm bớt thủ tục hành chính thuế; đồng thời bổ sung quy định DN thực hiện trích khấu hao đúng theo quy định pháp luật và chỉ được thay đổi phương pháp trích khấu hao một lần để có cơ sở pháp lý cho cơ quan thuế trong thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế.

– Về chính sách thuế – Ưu đãi thuế đối với trường hợp đầu tư mở rộng và đầu tư mới: Thông tư 78 quy định doanh nghiệp mới thành lập nếu đáp ứng điều kiện về đầu tư mới thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện đầu tư mới. Tuy nhiên, thực tế DN đầu tư nước ngoài đã có dự án đầu tư mới sau đó có đầu tư thêm dự án khác (tại tỉnh khác), nếu chỉ căn cứ theo quy định tại Thông tư này là chưa phù hợp thực tiễn. Dẫn đến việc áp dụng thuế suất ưu đãi theo diện đầu tư mới hay đầu tư mở rộng không thống nhất, gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc chấp hành chính sách pháp luật thuế.

Bà Lan Anh đề nghị sửa: Quy định cụ thể đối với những DN đầu tư đã có dự án đầu tư mới và đã được hưởng thuế suất ưu đãi theo diện đầu tư mới, sau đó đầu tư dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, để tránh việc áp dụng không thống nhất về chính sách ưu đãi đầu tư giữa các cơ quan thuế.

* Ông Nguyễn Hoàng Trung Quân, học viên Cao học Luật kinh tế đến từ Ngân hàng Kiên Long (Cần Thơ) trong tham luận: “Bất cập về hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam” cũng nêu ra một số bất cập:

Ông Nguyễn Hoàng Trung Quân, đến từ Ngân hàng Kiên Long (Cần Thơ) phát biểu tham tham luận tại hội thảo

– Các Thông tư quy định về Quỹ tín dụng nhân dân (Điều 31 Thông tư 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước quy định về Quỹ tín dụng nhân dân (sau đây gọi là Thông tư 04/2015/TT-NHNN) và Khoản 17 Điều 1 Thông tư 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (sau đây gọi là Thông tư 21/2019/TT-NHNN) lại không có đề cập đến việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân cư trú hợp pháp tại Việt Nam trở thành thành viên của Quỹ tín dụng nhân dân. Đồng thời, tại các Thông tư quy định về Ngân hàng hợp tác xã (Điều 34 Thông tư 31/2012/TT-NHNN ngày 26/11/2012 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước quy định về Ngân hàng hợp tác xã dân (sau đây gọi là Thông tư 31/2012/TT-NHNN) và Khoản 17 Điều 1 Thông tư 21/2019/TT-NHNN) cũng không đề cập đến điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân cư trú hợp pháp tại Việt Nam trở thành thành viên của Ngân hàng hợp tác xã.

Ông Quân kiến nghị: Luật Hợp tác xã và các Thông tư quy định về Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng hợp tác xã nên mở rộng cho phép nhà đầu tư nước ngoài (cá nhân và tổ chức) tham gia đâu tư vào Hợp tác xã nói chung, Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng hợp tác xã nói riêng.

Nhiều ý kiến góp ý chất lượng cho Dự thảo Luật đầu tư 2020 tại hội thảo

Ngoài ra, trong phần tham luận và thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tham gia vào một số nội dung. Đó là: Bổ sung rõ các dự án được ưu đãi phù hợp tại Điều 16, bổ sung việc ưu đãi đầu tư cho cụm công nghiệp vào Điều 17, Điều 20 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi hơn, nhất là điện, nước đến tường rào; bổ sung quy định không được đấu thầu khi chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư vào Điều 27; bổ sung nội dung đầu tư các dự án kết nối vào khu vực có kinh doanh casino tại điều 31, bỏ mục e, Khoản 1, Điều 31; quy định rõ cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư tại Điều 32, quy định các cơ quan có thẩm quyền đăng ký đầu tư, thu hồi đầu tư tại Điều 38…

Cùng với đó, nhiều ý kiến đã đề nghị bổ quy định rõ dự án thuộc thẩm quyền UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư; quy định rõ thời gian của các bộ, ngành Trung ương trong việc thẩm định, tham mưu cho Chính phủ quyết định các dự án đầu tư; đề nghị bỏ dịch vụ đòi nợ hoặc nếu để thì cần có quy định rõ hơn về trình tự, trách nhiệm của đơn vị thực hiện đòi nợ theo quy định; quy định rõ thời gian thẩm định, có chế tài phù hợp trong việc xin quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ bổ sung hình thức được phép đấu thấu lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp có một phần diện tích có tài sản công của nhà nước vào Điều 27 cho phù hợp; phân cấp mạnh hơn cho tỉnh đối với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án dưới 100ha đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch và phù hợp với quy hoạch tại Điều 32…

Phát biểu kết luận tại hội thảo, TS. Cao Nhất Linh – Trưởng Bộ môn Luật thương mại – Đại học Cần Thơ, đã đánh giá cao các ý kiến tham gia của các đại biểu. TS. Linh cũng đánh giá, làm rõ thêm những ý kiến tham gia liên quan đến Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đồng thời mong muốn, các đại biểu tiếp tục trao đổi kỹ hơn về những nội dung liên quan để hoàn thiện Đề tài để tổ chức Hội thảo cấp quốc gia trong thời gian tới.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

Tổng kết trong vòng 30 năm qua cho thấy, việc mở cửa thu hút vốn đầu trực tiếp nước ngoài (FDI) là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước. Khu vực kinh tế FDI đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam…

Trong giai đoạn 2005-2015, vốn FDI chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư xã hội. Giai đoạn 2016 – 2018 dòng vốn này tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện năm 2017 tăng 12,1% so với năm 2016 và bằng 33,3% GDP, trong đó vốn của khu vực nhà nước chiếm 35,7% tổng vốn và tăng 6,7% so với năm trước; vốn ngoài khu vực nhà nước chiếm 40,5% và tăng 16,8%; vốn đầu tư của khu vực FDI chiếm 23,8%, tăng 12,8%.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến ngày 20/1/2019, cả nước có 27.643 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 343 tỷ USD và tổng vốn thực hiện hơn 192 tỷ USD. Trong những năm qua, đóng góp của FDI vào GDP luôn giữ tỷ lệ cao, đặc biệt là trong giai đoạn 2010-2014, với tỷ lệ 24,4% vào GDP của Việt Nam. Số liệu tổng hợp báo cáo tài chính của DN FDI từ năm 2011 đến năm 2017 cho thấy, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của DN FDI luôn duy trì tăng trưởng ở mức cao. Tính riêng trong năm 2017, doanh thu của DN FDI tăng 28% so với năm 2016. DN FDI chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (năm 2017 chiếm tới 72,6%).

DN FDI đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước (NSNN) qua các năm: Năm 2012, hơn 83 nghìn tỷ đồng; năm 2013 hơn 111 nghìn tỷ đồng; năm 2014 hơn 123 nghìn tỷ đồng; năm 2015 hơn 140 nghìn tỷ đồng; năm 2016 là 161 nghìn tỷ đồng, chiếm 19% tổng thu của NSNN; năm 2017 chiếm 14,5% tổng thu của NSNN. Giai đoạn 1988 – 2014, khu vực FDI đã tạo ra hơn 2,3 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp, bao gồm hàng chục nghìn kỹ sư, nhà quản lý, công nhân lành nghề, với thu nhập, lao động và kinh doanh ngày càng tăng. Các con số này đã tăng lên đạt 3,6 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 6 triệu việc làm gián tiếp trong năm 2017.

Tuy nhiên, khu vực FDI cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải có định hướng, chiến lược mới phù hợp với bối cảnh mới. Đặc biệt, thực tiễn đang đòi hòi cần hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững và trước những vấn đề mới phát sinh.

Do vậy, tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành đã đề ra một trong những giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư.

“Dự thảo Luật Đầu tư có 7 chương, 78 điều quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật này áp dụng đối với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan  đến hoạt động kinh doanh.”

Trung Kiên