EnglishVietnamese
Trang chủ / Tin Tức / Tiếng chày no ấm trên quê hương sóc Bom Bo

Tiếng chày no ấm trên quê hương sóc Bom Bo

SLRI – Địa danh sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đã trở nên quen thuộc với nhân dân cả nước qua ca khúc “Tiếng chày trên Sóc Bom Bo” của cố nhạc sỹ Xuân Hồng, với hình ảnh đồng bào S’tiêng suốt đêm giã gạo nuôi quân. Sau năm 50 năm giải phóng huyện Bù Đăng (14-12-1974- 14-12-2024), sóc Bom Bo khác xưa rất nhiều, đồng bào không còn lo cái đói cái rét thường trực, thay vào đó là cuộc sống ấm no, nông thôn đổi mới từng ngày. Đoàn chúng tôi Viện nghiên cứu pháp luật phía Nam có mặt tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước trong toàn bộ lễ hội vừa qua.

Bài 1

BOM BO XƯA VÀ NAY

Thời kháng chiến chống Mỹ, Bom Bo nghèo khổ nhưng khi cách mạng gặp khó khăn, bà con người đồng bào dân tộc S’tiêng sẵn sàng bỏ lại nương rẫy, nhà cửa để vào căn cứ Nửa Lon (nay thuộc thôn 4, xã Đường 10, huyện Bù Đăng) theo kháng chiến. Bà con sẵn sàng nhường gạo, muối cho bộ đội và thức thâu đêm giã gạo cung cấp cho chiến trường, góp phần đánh thắng giặc Mỹ – Ngụy giải phóng quê hương. Ngày nay, Bom Bo tự tin vươn lên xây dựng cuộc sống mới, phát triển kinh tế – xã hội và cái nghèo, cái đói cũng dần lùi xa.

Một thời đạn bom

Chúng tôi trở lại vùng đất Bom Bo vào dịp huyện Bù Đăng đang rộn ràng với nhiều công việc chuẩn bị cho lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng (14-12-1974- 14-12- 2024). Bom Bo bây giờ thuộc xã Bình Minh và cuộc sống người dân cũng đang từng ngày thay đổi. Xưa kia, người dân Bom Bo đói ăn, đói gạo, đói muối, giờ đây đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Vùng đất Bom Bo nhộn nhịp hơn, ngay từ sáng sớm, những phụ nữ S’tiêng mặc váy, áo đẹp đi xe gắn máy, chở  trẻ con đến trường. Thanh niên trong vùng hì hục, rửa từng chiếc cồng chiêng, xuống suối bắt cá, chuẩn bị rau rừng ngon ngọt đãi khách.

Già làng Điểu Lên- người giữ hồn văn hoá S’tiêng cũng là nhân chứng cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của người dân Bom Bo

Chúng tôi tìm gặp già Điểu Lên (sinh năm 1945, người đồng bào S’tiêng) sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bom Bo. Già Lên kể, người S’tiêng xưa kia nghèo khổ, sống trong rừng, thân nhanh như con nai, con hươu, lấy lá vỏ cây làm quần áo, hái lượm, săn bắt làm kế sinh nhai. Bà con sống quần tụ trong những ngôi nhà dài đơn sơ, chia ngọt sẻ bùi từng nắm thóc, củ sắn, củ mì. Cuộc sống cứ trôi đi yên ả cho đến ngày giặc xua quân tràn về, bắn giết, cướp phá buôn làng.

Già Điểu Lên chia sẻ: “Thằng Mỹ, thằng Ngụy nó ác, giết hại đồng bào mình, nhưng người dân Bom Bo dù chết không theo giặc, một lòng đi theo Bác Hồ”. Năm 1965, để chuẩn bị cho chiến dịch Đồng Xoài – Phước Long, đồng bào S’Tiêng ở sóc Bom Bo vào căn cứ huy động cối, chày giã gạo nuôi quân, chỉ trong 3 ngày đêm người dân Bom Bo giã 5 tấn gạo, giúp bộ đội ăn no, đánh khoẻ.  Cố Nhạc sĩ Xuân Hồng đã về thực tế để viết bài ca “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Không chỉ nhộn nhịp với phong trào giã gạo nuôi quân, đồng bào nơi đây đã tiếp tế gần 2.000 sá lúa, 80.000 gốc khoai mì cho chiến dịch, cài cắm hàng ngàn hố chông, bố phòng làng chiến đấu chống địch càn quét gần 50 trận lớn nhỏ, loại ra vòng chiến đấu hàng trăm tên địch.

Trong kí ức của vị già làng có câu chuyện Điểu Krú vai địu con một mình chiến đấu và tiêu diệt hàng chục tên địch trong cuộc càn quét của giặc vào căn cứ Nửa Lon năm 1964; người anh hùng Điểu Ong hy sinh khi chỉ huy một trung đội chống giặc năm 1969. Và câu chuyện về Bom Bo thường được vị già làng kể cho con cháu nghe trong những lễ hội truyền thống của buôn làng hay trong những đêm cồng chiêng say nồng men rượu cần.

Vượt qua đói nghèo

Sau giải phóng, bà con trở về chốn cũ dựng lại sóc Bom Bo (nay là thôn Bom Bo, xã Bình Minh), quây quầy bên nhau xây dựng cuộc sống mới. Để ghi nhận công lao của người đồng bào dân tộc S’Tiêng, năm 2012, tỉnh Bình Phước quy hoạch, xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo với diện tích hơn 113 ha trên một quả đồi cao tại thôn Bom Bo, xã Bình Minh. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo và các dân tộc trong vùng. Đầu năm 2018, huyện Bù Đăng tiếp tục đầu tư 10 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa các công trình cùng với bộ đàn đá và cồng chiêng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tên sóc Bom Bo tưởng như đã mất nhưng giờ đây được trả lại nên đồng bào S’tiêng “vui mừng lắm”. Cuộc sống của người dân đang từng bước đi lên, biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Bộ đàn đá lớn nhất cả nước được trưng bày tại Khu bảo tồn văn hoá đồng bào dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Phụ nữ S’tiêng lên nương rẫy thu hoạch lúa, góp phần nâng cao cuộc sống kinh tế

Mô phỏng phong trào giã gạo nuôi quân tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Là một trong những hộ nghèo hưởng chính sách hỗ trợ tái canh vườn điều, nên khi nhận cây giống từ chương trình hỗ trợ, ông Điểu K’Riêng (sóc Bom Bo) như có thêm niềm hy vọng sớm ổn định kinh tế gia đình. Ông Điểu K’Riêng chia sẻ: “Trước đây, trồng điều không áp dụng kỹ thuật cũng có trái, nhưng hay mất mùa. Nhờ chính sách hỗ trợ của địa phương, gia đình tôi được nhận 120 cây giống để cải tạo vườn, tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả. Năng suất bình quân của giống điều cũ chỉ đạt 2 tấn/ha, còn giống điều được hỗ trợ có năng suất vượt trội, chất lượng cũng cao hơn nhiều”.

Đặc biệt, khi việc trồng trọt ổn định, đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Bom Bo còn được tổ chức phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, để cùng nhau áp dụng khoa học công nghệ kỹ thuật cho vườn cây phát triển tươi tốt. Do đó, bà con Bom Bo đều sống khoẻ nhờ thu nhập ổn định từ cây điều. Còn gia đình anh Điểu Mung (sóc Bom Bo) là hộ đầu tiên được nhận giống lợn rừng lai, có đặc tính khoẻ mạnh, dễ thích nghi với môi trường. Anh Điểu Mung kể: “Nhà nước hỗ trợ cho 10 con heo rừng, sau một năm, tôi bán được 7 con với số tiền thu về 25 triệu đồng, để lại 3 con nhân giống và đây là nguồn thực phẩm sạch do các hộ sản xuất ra sẽ phục vụ cho khách du lịch.

Xã Bình Minh thành lập năm 2008 trên cơ sở chia tách xã Bom Bo, hiện có 11.500 hộ, trong đó 42% là đồng bào dân tộc thiểu số, riêng đồng bào S’tiêng chiếm 23%. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các Chương trình 134, Chương trình 135 về xoá đói giảm nghèo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng với sự cần cù của đồng bào S’tiêng ở Sóc Bom Bo, đời sống vật chất ngày càng cải thiện, văn hóa tinh thần ngày càng khởi sắc. Từ một xã thường thiếu đói giáp hạt đến năm 2020, Bình Minh về đích nông thôn mới với thu nhập bình quân hơn 55 triệu đồng/người/năm. Nhiều tuyến đường từ trung tâm xã về thôn, sóc được bê tông hóa và có hệ thống điện thắp sáng.

Ông Trịnh Công Long, Bí thư Đảng uỷ xã Bình Minh cho biết, những cây công nghiệp như điều, cao su, cà phê và cây ăn trái là cây trồng chủ lực của địa phương. Nhiều năm trở lại đây, người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biết áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống kinh tế được cải thiện, xã còn 26 hộ nghèo (chiếm 0,01% dân số). Hiện Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đang trở thành niềm tự hào của người Bom Bo và những lễ hội, nghề thủ công truyền thống đang được thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ và phát huy trong nhịp sống hối hả thời hiện đại.

PHẠM XUÂN CHUNG